Bác sĩ nha khoa – họ là ai?
Nha sĩ hay bác sĩ nha khoa là bác sĩ chuyên về chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị các bệnh liên quan đến khoang miệng, răng. Cùng đội ngũ trợ lý, các bác sĩ nha khoa sẽ cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe răng miệng.
Công việc của bác sĩ nha khoa
Bác sĩ nha khoa thực hiện phần lớn các phương pháp điều trị nha khoa như phục hồi răng, thân răng, chỉnh hình răng hàm mặt như: niềng răng, làm răng thẩm mỹ, thay các bộ phận răng giả, điều trị nội nha như sâu răng, cao răng và các thao tác nhổ răng. Bác sĩ nha khoa còn thực hiện chụp x quang (x-quang), chẩn đoán, và kê toa thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc an thần hay những loại thuốc men khác phục vụ trong việc điều trị các triệu chứng phát sinh tại vùng họng và cổ. Các nha sĩ cần phải có trình độ chuyên môn cao hoặc được đào tạo kỹ lưỡng để thực hiện các bước phức tạp hơn như gây mê, phẫu thuật và cấy ghép.
Các kỹ năng cần thiết để trở thành bác sĩ nha khoa
Lòng nhân đạo, thương người: Lòng nhân hậu hay y đức chính là đức tính đầu tiên và cần thiết cần có của một thầy thuốc. Hành nghề y, bạn sẽ phải trực tiếp tiếp xúc hàng ngày với những nỗi đau đớn cả về mặt thể xác lẫn tinh thần của bệnh nhân. Nếu bạn không có lòng nhân hậu, bạn sẽ không bao giờ đặt mình vào hoàn cảnh người bệnh, cảm nhận nỗi đau của họ để có thể tận tâm cứu chữa.
Tính cẩn thận, tỉ mỉ, trung thực: Đây là yếu tố rất quan trọng, đặc biệt trong những chẩn đoán và điều trị. Nếu chưa tìm hiểu kỹ, tỉ mỉ, thấu đáo có thể dẫn đến đưa ra phương án điều trị sai lầm. Đặc biệt đối với các điều trị phẫu thuật như: nhổ răng khôn, cấy ghép implant, phẫu thuật hàm,… thì yêu cầu về tính cẩn thận là rất cao. Một sai lầm nhỏ cũng có thể gây ra những những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của bệnh nhân.
Khả năng quan sát, phán đoán tốt, nhạy bén: Phán đoán để chẩn đoán bệnh là bước đầu khó khăn nhất để sau đó nghiên cứu biện pháp chữa trị. Một bác sĩ giỏi là người có khả năng quan sát tốt, phán đoán tốt, dẫn tới chẩn đoán chính xác và nhạy bén trước những trường hợp bệnh khó. Đặc biệt trong điều trị nha khoa, những bệnh lý nằm trong xương hàm, những trường hợp tiểu phẫu hoặc cấy ghép nha khoa, ngoài sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại thì sự phán đoán và nhạy bén của bác sĩ là điều quan trọng nhất.
Đôi bàn tay khéo léo: Trong nha khoa, đôi bàn tay khéo léo có vai trò cực kỳ quan trọng. Mọi thao tác đều cần phải chuẩn mực và nhuần nhuyễn đảm bảo bệnh nhân thoải mái nhất nhưng phải tạo được hiệu quả cao nhất. Sự khéo léo còn có khả năng giúp bạn không nhỏ trong việc chẩn đoán bệnh chính xác, và đặc biệt là có những ca tiểu phẫu thành công mỹ mãn.
Sự khéo léo ngoài do bẩm sinh thì yếu tố thực hành nhiều rất quan trọng. Thao tác nhìn thì rất dễ nhưng nếu không luyện tập, bạn sẽ mãi mãi “lóng ngóng” và không thể làm tốt được.
Sự can đảm (không sợ máu, không sợ bẩn,…): Lòng can đảm của người thầy thuốc trước tiên được thể hiện qua sự chiến thắng nỗi sợ hãi của chính mình. Đối với nghề y, điều này không hề dễ dàng chút nào. Công việc hàng ngày của bạn sẽ phải thường xuyên tiếp xúc với máu, chất bẩn,… Nếu bạn không chuẩn bị sẵn tinh thần can đảm, lăn xả vì công việc thì sẽ rất khó để hoàn thành tốt.
Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp
Ngày nay, hầu như mọi người tìm đến việc chỉnh nha để “thăng hạng” nhan sắc nhiều hơn là phẫu thuật thẩm mỹ; không chỉ có chi phí thấp hơn mà hiệu quả cũng cao hơn rất nhiều, không chỉ vậy nó còn rất ít để lại hậu quả về sau. Do đó, sau khi tốt nghiệp ngành nha khoa, sinh viên sẽ có rất nhiều lựa chọn việc làm cho bản thân. Bên cạnh việc có thể xin vào làm tại một số bệnh viện, phòng khám nhỏ để lấy thêm kinh nghiệm, họ còn có thể thử sức ở một số viện răng – hàm – mặt, trung tâm y tế thuộc các công ty hay trung tâm y tế tư nhân,… Đặc biệt, nếu đủ khả năng bạn có thể quản lý hoặc mở cho riêng mình một phòng khám răng – hàm – mặt phục vụ nhu cầu cao của người dân.
Vì sao nghề nha sĩ lại “hot”?
Người thiết kế nụ cười
Bác sĩ nha khoa không đơn thuần là người giúp bệnh nhân cải thiện những vấn đề về răng miệng, trám những chiếc răng sâu hay “giải quyết” một chiếc răng mọc lệch. Họ là người thiết kế nụ cười xinh – hoàn thiện “cái gốc”, mang đến vẻ đẹp, sự tự tin và hạnh phúc mỗi khi nở nụ cười.
Chính vì vậy, nha sĩ được ví như những nghệ sĩ, họ được bệnh nhân ưu ái và dành nhiều tình cảm hơn hẳn!
Thu nhập cao, ổn định
Không phải ngẫu nhiên khi nha sĩ luôn nằm trong Top Best Jobs, bởi vì đây là ngành luôn được săn đón, nhu cầu chỉ có tăng lên chứ không giảm đi khi mức sống của người dân ngày một cao.
Bác sĩ nha khoa đang là 1 trong 4 nghề có thu nhập cao nhất thế giới. Tại Việt Nam, tuỳ chuyên môn và cường độ làm việc, một nha sĩ có thể thu nhập trên 50 triệu/tháng. Con số này sẽ cao hơn nhiều lần nếu bạn có phòng khám riêng hoặc tận dụng thời gian làm thêm một nghề tay trái.
Cơ hội việc làm cao, tuỳ bằng cấp bạn có thể hành nghề trong và ngoài nước, cuộc sống ổn định.
Thời gian chủ động, cuộc sống muôn màu
Dù làm việc tại bệnh viện hay hoạt động phòng khám, các bác sĩ nha khoa đều có thể chủ động thời gian cho những sở thích cá nhân, du lịch, nghỉ ngơi hợp lý.
Theo ngành y nên đa số nha sĩ là người luôn biết bảo vệ sức khoẻ, thích các hoạt động thể thao như leo núi, golf, boxing, yoga,… và mê du lịch trải nghiệm. Vì vậy, cuộc sống của bác sĩ nha khoa sẽ luôn có nhiều nguồn năng lượng tích cực.
Tiềm năng của ngành nha khoa tại Việt Nam
Theo thống kê cho thấy, hiện nay hơn 90% dân số Việt Nam bị các bệnh về răng miệng. Từ số liệu trên ta thấy được tiềm năng đầu tiên của ngành bác sĩ nha khoa đó chính là nhu cầu nhân lực. Hiện nay ở nước ta mới chỉ có khoảng 3.500 nha sĩ để chăm sóc răng miệng cho hơn 88 triệu người dân, chiếm tỉ lệ 1/25.000 – 30.000, đây là một tỉ lệ quá thấp so với các nước bạn 1/5.000. Vì thế cùng với các khoa răng hàm mặt thuộc bệnh viện nhà nước, các bệnh viện nha khoa tư nhân đã “mọc” lên với tốc độ chóng mặt, do đó nhu cầu về nhân lực cũng trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Mức lương thử việc của một nha sĩ là từ 6 đến 8 triệu/tháng, đây không phải là mức lương quá cao nhưng lại rất tốt đối với một sinh viên ngành nha khoa mới ra trường. Đương nhiên khi làm chính thức mức lương sẽ cao hơn thế, nếu có kinh nghiệm lâu năm trong nghề thì bạn có thể sống sung túc với nghề nha sĩ này. Thông thường, các bệnh viện, phòng khám nha khoa tư nhân trả 1 mức lương cố định khoảng 10 – 12 triệu/tháng cộng thêm thưởng và hiệu suất công việc. Thu nhập của một nha sĩ có thể lên tới 50 – 70 triệu/tháng tùy thuộc vào cường độ và hiệu quả công việc mà họ làm được.