Kỹ sư môi trường – họ là ai?
Kỹ sư môi trường được liệt vào danh sách “nghề nghiệp của tương lai” với cơ hội được làm việc trong lĩnh vực khoa học mang tính ứng dụng cao. Ngoài ra, các kỹ sư môi trường còn được xem là những người có nhiều cơ hội học hỏi khi phần lớn đối tác của họ là người nước ngoài.
Kỹ sư môi trường sẽ là người ngăn ngừa, đưa ra các giải pháp giảm thiểu các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường và sức khỏe cộng đồng như ô nhiễm nguồn nước, mưa axit, ô nhiễm không khí, khói bụi,… Họ cũng là người chịu trách nhiệm thu hồi, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải, đưa ra các giải pháp quản lý, góp phần bảo vệ môi trường sống với mục tiêu phát triển bền vững.
Có thể nói, trở thành kỹ sư môi trường là công việc hoàn hảo dành cho những bạn yêu thích khoa học, ham học hỏi, tích cực tham gia các hoạt động xã hội và biết yêu quý thiên nhiên, có mong muốn bảo vệ môi trường.
Công việc của kỹ sư môi trường
Kỹ sư môi trường không chỉ gói gọn trong công việc xử lý rác và nước thải, mà còn bao gồm nhiều việc liên quan:
– Nghiên cứu công nghệ, kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường; thiết kế các quy trình, máy móc xử lý ô nhiễm cho nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, công trình của nhà nước hoặc tư nhân.
– Khảo sát, đánh giá, nghiên cứu, tìm ra biện pháp xử lý ô nhiễm, tham gia vào quá trình xử lý ô nhiễm, đảm bảo quy trình vận hành hiệu quả. Nghiên cứu các chỉ tiêu môi trường, giám sát, quản lý môi trường nơi mình công tác hoặc trong dự án để có biện pháp xử lý kịp thời;
Kỹ năng cần có của một kỹ sư môi trường
Tất nhiên, không có công việc lương cao nào mà “dễ nhằn” cả, chúng luôn đòi hỏi bạn phải có những kỹ năng nhất định, kiến thức chuyên môn tốt. Để trở thành một kỹ sư môi trường giỏi, trước hết bạn cần nắm chắc các kiến thức chuyên môn đã được đào tạo tại trường đại học, không ngừng học hỏi, tìm hiểu thêm kiến thức chuyên ngành, công nghệ ứng dụng trong môi trường. Bên cạnh đó, các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, khả năng ngoại ngữ, sử dụng thiết bị công nghệ,… Cũng rất cần thiết cho một kỹ sư môi trường, nhất là khi bạn muốn nâng mức lương lên cao.
Ngành nghề nào cũng cần sự đam mê, tất nhiên công việc “khô khan” như môi trường lại càng cần hơn nữa, giúp bạn cống hiến và bám trụ với nghề lâu hơn. Bên cạnh đó, đức tính kiên nhẫn, cẩn thận, tỉ mỉ cũng là yếu tố không thể thiếu trong công việc.
Cơ hội nghề nghiệp của kỹ sư môi trường
Sinh viên ngành môi trường tốt nghiệp có thể làm công tác nghiên cứu, chuyên viên, quản lý, kỹ sư tại cơ quan quản lý môi trường, công ty cấp thoát nước, trung tâm nghiên cứu, tổ chức quốc tế, dự án phi chính phủ về môi trường, công ty tư vấn giải pháp môi trường, nhà máy sản xuất, ban quản lý môi trường tại các khu công nghiệp,…
Cơ hội nghề nghiệp của ngành này khá rộng mở bởi tất cả công ty, nhà máy sản xuất chuyên nghiệp đều cần đến kỹ sư môi trường cho công tác quản lý, sản xuất, sáng chế,… Quy trình phục vụ theo hướng bảo vệ môi trường xanh, sạch, tiết kiệm và an toàn. Vì vậy, một kỹ sư môi trường sau này có thể xin ứng tuyển vào vị trí như:
– Quản lý nhân lực (nếu công ty làm về lĩnh vực môi trường thì thường kỹ sư môi trường cũng sẽ đảm nhận luôn vị trí quản lý đội ngũ nhân sự).
– Quản lý nhân sự (nếu quy mô công ty lớn từ vài trăm nhân viên trở lên thì công tác vệ sinh an toàn lao động, môi trường làm việc cũng rất được chú trọng, kỹ sư môi trường cũng được đề bạt cho vị trí quản lý nhân sự này).
– Quản lý sản xuất: Đối với các công ty lớn, họ thường tuyển dụng kỹ sư môi trường quản lý sản xuất với mục đích đảm bảo việc sản xuất sạch hơn, đồng thời nghiên cứu cải tiến quy trình để giảm chi phí.
– Quản lý môi trường cho công ty: Quản lý hệ thống xử lý nước, rác, khí thải.
– Quản lý dự án: Các dự án bất động sản, xây dựng, công trình đều cần đến một vị trí nhân sự giải quyết vấn đề môi trường, các thủ tục môi trường,… như kỹ sư môi trường.
Ngoài ra, kỹ sư môi trường còn có thể làm quản lý trong các sở ban ngành của Nhà nước, làm tư vấn quản lý môi trường, làm nhân viên kỹ thuật trong các công ty môi trường, kỹ sư vận hành trạm xử lý nước thải,…
Mức lương của kỹ sư môi trường
Song song với việc hiện đại hóa thì thế giới cũng đang hướng đến việc sản xuất, tiêu dùng xanh, sạch nhằm bảo vệ môi trường, vì thế nhu cầu nhân lực làm việc trong ngành này ở Việt Nam sẽ ngày càng tăng lên.
Mặt bằng lương của ngành kỹ sư môi trường thuộc dạng cao vì yêu cầu kiến thức, chuyên môn, tất nhiên là còn tùy vào năng lực của mỗi người mà thu nhập khác nhau, nhưng nói chung là khá ổn định cùng nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Thêm vào đó là cơ hội tu nghiệp nước ngoài rất nhiều. Hiện nay nhiều công ty tuyển nhân viên kỹ sư môi trường với mức lương trên 10 triệu, dao động từ 12 – 15 triệu/tháng. Ở những vị trí đòi hỏi kinh nghiệm, trình độ cao hơn thì con số càng hấp dẫn và rơi vào khoảng 18 – 20 triệu/tháng.
Vì ở Việt Nam, quá trình xử lý vấn đề liên quan đến môi trường vẫn non kém nên cơ hội được gửi sang nước ngoài tu nghiệp, học hỏi là rất nhiều, nhờ đó các kỹ sư môi trường sẽ được trau dồi thêm kiến thức, năng lực và tất nhiên lương bổng cũng nhân lên gấp bội, thậm chí vài nghìn đô một tháng.