Chuyên viên phân tích tài chính – họ là ai?
Chuyên viên phân tích tài chính là người thực hiện các công việc tổng hợp và phân tích các thông tin tài chính, thu thập các bản thống kê tài chính, báo cáo kinh doanh và báo cáo kế toán. Đồng thời phân tích xu hướng và đưa ra dự báo nhằm phân tích tài chính cho ban giám đốc, khách hàng và đồng nghiệp.
Chuyên viên phân tích tài chính làm gì?
Chuyên viên phân tích tài chính làm những công việc cụ thể như sau:
- Phân tích thông tin và tình hình hoạt động tài chính hiện tại và quá khứ của công ty, chuẩn bị các báo cáo và dự báo dựa trên những phân tích tài chính;
- Phát hiện các cơ hội đầu tư tài chính, lập các kế hoạch và đánh giá khó khăn – thuận lợi, xác định xu hướng trong hoạt động tài chính và đưa ra những khuyến nghị;
- Phối hợp cùng các thành viên khác trong nhóm tài chính để đánh giá các thông tin tài chính và đưa ra dự báo, cung cấp, sử dụng các mô hình dự báo tài chính;
- Tăng năng suất bằng cách phát triển các ứng dụng kế toán tự động;
- Bảo mật các thông tin tài chính.
Chuyên viên phân tích tài chính làm việc ở đâu?
Chuyên viên phân tích tài chính có xu hướng tập trung chuyên môn nghề nghiệp của mình tùy vào các tổ chức mà họ làm việc:
- Các ngân hàng, các công ty đầu tư, các công ty bảo hiểm;
- Các công ty tư nhân, nhà nước, các nhà thầu;
- Các tổ chức chăm sóc y tế;
- Cơ quan chính phủ và hầu hết các tổ chức doanh nghiệp khác.
Một chuyên viên phân tích cấp thấp như sinh viên mới ra trường có thể mất từ 3 đến 5 năm để trở thành một chuyên viên phân tích cấp cao. Riêng đối với các chuyên viên phân tích cấp cao đang tìm kiếm các cơ hội khác để mở mang nghề nghiệp, họ có thể chọn trở thành các nhà quản lý danh mục đầu tư, đối tác với các ngân hàng đầu tư hoặc trở thành thành viên quản lý cấp cao ở ngân hàng bán lẻ hoặc công ty bảo hiểm. Một vài chuyên viên phân tích chọn con đường trở thành nhà tư vấn đầu tư hoặc nhà tư vấn tài chính để tiếp tục phát triển con đường nghề nghiệp của mình.
Những tố chất cần thiết để trở thành chuyên viên phân tích tài chính
Năng khiếu toán học
Bạn buộc phải học tốt các môn học như: kinh tế vĩ mô, xác suất, khả năng ứng dụng trên máy tính và tư duy logic. Đây được coi như là tiêu chí đầu tiên khi bạn quyết định trở thành nhà phân tích tài chính. Bởi toán học là đặc thù của nghề này và bạn phải chứng minh được năng lực làm việc với các con số.
Kỹ năng mềm linh hoạt
Khi đã trở thành chuyên viên phân tích tài chính bạn phải tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau như: Giám đốc doanh nghiệp, khách hàng, đồng nghiệp,… Đòi hỏi bạn phải có khả năng giao tiếp linh hoạt, tinh tế. Đây là kỹ năng khó bởi nó cần tới năng khiếu cũng như kinh nghiệm lâu năm của người làm nghề.
Quản lý công việc, thời gian
Công việc phân tích tài chính đa dạng và phức tạp. Bởi ngoài công việc chuyên môn, bạn phải xử lý khối công việc đồ sộ, để làm tốt việc này bạn cần phải biết phân loại mức độ quan trọng của từng công việc mà quyết định thời gian hoàn thành chỉ tiêu. Quyết đoán trước mọi hành vi, quyết định cũng là yếu tố không thể thiếu của các nhà phân tích tài chính. Nếu không có kỹ năng này bạn sẽ khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nhanh nhạy trước các xu hướng tài chính
Trước sự biến động liên tục của thị trường, nhà phân tích tài chính cần phải liên tục nắm bắt những thay đổi ấy dù lớn hay nhỏ. Để làm được việc này bạn phải cập nhật thật nhiều tin tức, thông tin về các ngành công nghiệp, xu hướng của thị trường trong chính công việc mình đang làm, các tạp chí, sách và báo chuyên môn, đồng nghiệp, Internet…
Trở thành một nhà phân tích tài chính xuất sắc đòi hỏi nhiều yếu tố khác nhau, bên cạnh việc có tố chất tốt thì rất cần sự học hỏi và rèn luyện thường xuyên. Với các sinh viên chuyên ngành kinh tế – tài chính, việc nắm được kiến thức tài chính, công thức tính của các nhóm tỷ số tài chính thường là đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên, khi đọc báo cáo tài chính thì khả năng nhận định tình hình tài chính doanh nghiệp, từ đó, chỉ ra được nguyên nhân và tìm kiếm các giải pháp cải tiến lại thể hiện sự khác biệt về năng lực thực sự giữa các nhà phân tích.
Vậy, một chuyên viên phân tích tài chính cần làm gì để nâng cao năng lực phân tích của mình?
1. Am hiểu về nền kinh tế vĩ mô và đặc điểm kinh tế kỹ thuật của từng ngành nghề kinh doanh
– Tình hình tài chính của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn của điều kiện kinh tế vĩ mô, vì vậy, một chuyên gia phân tích phải am hiểu kiến thức lý luận về kinh tế học, thị trường tài chính, có khả năng đọc và lý giải các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô một cách thường xuyên, từ đó, xây dựng được nhận thực tổng thể về thực tiễn đang diễn ra của nền kinh tế vĩ mô.
– Nhà phân tích tài chính cũng rất cần am hiểu về đặc điểm kinh tế – kỹ thuật của từng ngành kinh doanh, ví dụ như: Chuỗi giá trị của ngành, các phân khúc ngành, danh sách các công ty trong ngành và chiến lược, lợi thế cạnh tranh của chúng, tình hình tài chính các công ty trong ngành,… Chính vì vậy thông thường các chuyên viên phân tích tài chính chỉ am hiểu nhất ở những ngành mà anh ta nghiên cứu sâu nhất mà thôi. Việc mở rộng năng lực phân tích ra những ngành kinh doanh khác sẽ đòi hỏi thời gian và nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu.
2. Am hiểu kiến thức về nhiều lĩnh vực liên quan đến nghiệp vụ tài chính của doanh nghiệp
– Am hiểu về kế toán và các thủ thuật xử lý số liệu của kế toán: Sẽ thật ngây thơ nếu một người tin hoàn toàn vào các dữ liệu tài chính do một doanh nghiệp cung cấp bởi vì có nhiều doanh nghiệp sử dụng các thủ thuật kế toán để xử lý số liệu tài chính. Chính vì vậy, nhà phân tích tài chính phải am hiểu về nghiệp vụ kế toán, có những nghiệp vụ nhằm kiểm tra và chẩn đoán về tính chính xác của các số liệu tài chính, điều chỉnh số liệu tài chính phù hợp với mục đích phân tích.
– Ngoài am hiểu về nghiệp vụ tài chính kế toán, người phân tích tài chính cần phải am hiểu kiến thức trong nhiều lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp. Trong doanh nghiệp có các chức năng cơ bản như: Nhân sự, sản xuất, tài chính, marketing và chiến lược. Người phân tích tài chính sẽ phải trang bị kiến thức về tất cả các kiến thức này, đặc biệt người phân tích phải rất am hiểu các kiến thức về chiến lược cạnh tranh hay Binh pháp Tôn Tử để ứng dụng trong phân tích các bước đi của các đối thủ cạnh tranh trong một ngành nhất định.
3. Nhà phân tích tài chính cần xây dựng được cơ sở dữ liệu tốt
Cái khó nhất trong phân tích tài chính là phải có chuẩn mực về các chỉ tiêu trung bình ngành đáng tin cậy làm cơ sở so sánh và nhận định các tỷ số tài chính của doanh nghiệp là tốt hay không tốt, là cao hay thấp. Chính vì vậy, việc xây dựng được các chỉ tiêu trung bình ngành và am hiểu về tình hình tài chính các công ty trong một ngành là rất cần thiết để từ đó nhận biết công ty nào trong ngành đang hoạt động tốt và công ty nào đang hoạt động không tốt và lý do tại sao.
4. Liên tục rèn luyện kỹ năng đọc và phân tích báo cáo tài chính
– Theo dõi và đọc báo cáo tài chính hàng quý như theo dõi “hơi thở” của cuộc sống: Người làm phân tích tài chính cần liên tục đọc báo cáo tài chính (và báo cáo thường niên) hàng quý, báo cáo tài chính sáu tháng và hàng năm của hàng trăm công ty thuộc nhiều ngành khác nhau. Nếu một cá nhân không thường xuyên đọc và nhận định về tình hình tài chính của các doanh nghiệp trong nhiều ngành kinh tế, anh ta sẽ sớm đánh mất sự nhạy cảm phân tích của mình. Bên cạnh đó, cần chú ý xem số liệu tài chính tác động như thế nào đến giá cổ phiếu sau khi thông tin được công bố và cố gắng nhận định về mối quan hệ giữa tình hình tài chính và giá cổ phiếu của doanh nghiệp.
– Tiên liệu được triển vọng tương lai và dự kiến các giải pháp cho doanh nghiệp: Phân tích tài chính không phải chỉ để phân tích, phân tích tài chính có mục đích chính là giúp cải thiện tình hình tài chính và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Một nhà phân tích tài chính giỏi khi phân tích xong một doanh nghiệp sẽ phải chỉ ra được: điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp, các giải pháp và bước đi cần thiết để cải thiện vị thế trên thị trường, tình hình tài chính và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
– Thường xuyên bám sát và trao đổi với những người làm thực tiễn tại doanh nghiệp: Nguồn thông tin từ việc trao đổi với những người làm thực tiễn giúp cho nhà phân tích kiểm nghiệm lại những nhận định của mình về ngành nghề có sát với thực tiễn hay không và cũng từ đó phát hiện ra những vấn đề mà các doanh nghiệp trong từng ngành nghề đang phải đối mặt.
– Thường xuyên đọc sách và nghiên cứu kiến thức, viết các báo cáo phân tích thường xuyên: Năng lực nghiên cứu và phân tích tài chính sẽ tỷ lệ thuận với kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được. Người làm phân tích tài chính nên thường xuyên củng cố năng lực phân tích trên cơ sở sự cộng tác với các tạp chí hoặc chuyên trang tài chính nhằm liên tục viết và kiểm nghiệm các kiến thức phân tích của mình.
Mức lương chuyên viên phân tích tài chính
Hiện nay, mức lương chuyên viên phân tích tài chính trên thị trường Việt Nam trung bình khoảng 16 triệu VNĐ/tháng. Khoảng lương phổ biến từ 10 – 21 triệu VNĐ.