Tôi có một anh bạn thân và anh có nhận xét “Người Việt Nam chúng ta thường việc nhỏ thì khinh, việc trung bình thì ngại và việc lớn thì sợ không dám làm. Kết luận là người Việt Nam không làm gì cả”. Nghe anh nói cũng thấy buồn nhưng suy nghĩ và kiểm điểm lại thì thấy rất có lý và nhiều người xung quanh chúng ta hành xử như vậy. Các bạn cứ thử đề đạt những công việc làm với bạn bè và người thân thì chắc chắn chúng ta sẽ nhận những lời đại khái như thế này “Trời việc bé thế mà cũng làm. Thôi tao còn nhiều việc phải làm. Việc như vậy mày có làm nổi không, tao sợ không làm được v/v”.
Những người mà ngày hôm qua mới than thở với chúng ta như vậy lại có những phút giây tự than vãn với mình “Tại sao tôi lại kém may mắn thế, Tại sao cơ hội không tới với tôi mà chỉ tới với những người khác”. Trên thế giới này có hơn 7 tỷ người và tại Việt Nam có hơn 84 triệu dân. Các bạn có nghĩ rằng luôn luôn có 84 triệu cơ hội dành cho mỗi con người Việt Nam hay không? Câu trả lời chắc chắn là không. Ngày nay, mỗi vị trí tuyển dụng nhân viên mới ra trường, các công ty nhận được hàng chục thậm chí hàng trăm đơn xin việc. Cơ hội bao giờ cũng rất ít. Nếu các bạn chỉ cần thay đổi lăng kính nhìn cuộc đời, cơ hội sẽ tới các bạn rất nhiều. Lý do không phải cơ hội có nhiều mà chính do các bạn thay đổi cách nhìn đã tạo ra cơ hội cho mình. Có rất nhiều lý do cản trở một cá nhân nhìn nhận cơ hội và sau đây là những lý do chủ yếu.
01 – Thái độ tìm kiếm cơ hội: Có thể nói, thái độ là yếu tố quan trọng nhất quyết định khả năng nắm bắt cơ hội của bạn. Các bạn hãy thử ôn lại xem bao nhiêu cơ hội đã bỏ qua vì thái độ bàng quang, thờ ơ và không tập trung của mình. Ngày mai có buổi nói chuyện với công ty A tại trường đại học. bạn vội về sớm vì sinh nhật nhỏ bạn thân và không có cơ hội nói chuyện trực tiếp với anh trưởng phòng nhân sự, đó chính là các bạn đã bỏ lỡ một cơ hội và biết đâu cơ hội nhỏ đó là chiếc chìa khóa mở cửa thành công của sự nghiệp bạn.
02 – Tư duy hạn hẹp về cơ hội: Cuộc sống là những căn phòng nối tiếp nhau. Các bạn sẽ chẳng bao giờ bước tới phòng thứ hai nếu không mở chiếc phòng thứ nhất. Có nhiều bạn trẻ luôn luôn không mở cánh cửa phòng thứ nhất vì họ cho rằng nó quá bé với ước mơ của họ. Họ đã bỏ qua những cơ hội vàng vì đằng sau chiếc phòng chật chội có thể là cả một đại sảnh cho cuộc đời. Các bạn có thể chê một công ty A nhỏ không xứng với tấm bằng kỹ sư của các bạn. Khi các bạn vào làm việc một thời gian thì có thể bạn của anh quản đốc công ty A đang làm tại công ty hàng đầu tại Việt Nam và anh quản đốc giới thiệu bạn tới làm công ty đó. Cuộc đời là chuỗi những sự kiện bất định và không ai biết đằng sau những sự kiện bất định đó ẩn chứa những cơ hội thành công như thế nào.
03 – Tinh thần chiến đấu cho cơ hội: Sau khi tìm kiếm cơ hội, một lý do các bạn thường thất bại đó là chuẩn bị chưa kỹ và tinh thần chiến đấu không quyết liệt. Steve Job cũng nói điều này khi ông nói “Hãy cố gắng làm việc và suy nghĩ như ngày hôm nay là ngày cuối cùng của bạn”. Các bạn được mời tham gia phỏng vấn nhưng các bạn, hãy luôn luôn coi cơ hội bạn có được là cơ hội duy nhất và bạn phải chiếm được nó bằng mọi giá. Khi chúng ta có nó rồi việc sử dụng nó hay không lại là một chuyện khác.
04 – Chuẩn bị năng lực đón nhận cơ hội: Năng lực cá nhân quyết định khả năng chuyển cơ hội tới thành công. Cơ hội như cánh chim bay xoẹt qua, chỉ có những người nào chăm chỉ nâng cao năng lực cá nhân mới có thể bắt được nó. Một ví dụ điển hình khi các bạn trẻ luôn luôn hiểu rằng đọc thông viết thạo tiếng Anh là tấm giấy ra vào thế giới thành công nhưng có bao nhiêu phần trăm các bạn trẻ sinh viên làm được điều đó. Cơ hội lớn chỉ tới với chúng ta một vài lần thậm chí chỉ một lần duy nhất. Nếu như chúng ta không kiên nhẫn chuẩn bị năng lực thì sẽ bị lỡ chuyến tầu thành công duy nhất của cuộc đời.
05 – Sự không kiên nhẫn theo thời gian: lý do cuối cùng mà các bạn bỏ lỡ cơ hội chính là sự thiếu kiên nhẫn của các bạn. Tôi đã từng nói chuyện với một tổng giám đốc công ty có doanh thu 1000 tỷ trong một năm. Anh chia sẻ trong 2 năm đầu tiên khi mở doanh nghiệp công ty bị lỗ. 3 cổ đông sáng lập đó đã nghỉ vài tháng trước khi công ty thành công. Bây giờ sau 10 năm, công ty đã đạt doanh số như ngày hôm nay. Các bạn luôn luôn nhớ cơ hội chỉ có thể thành công khi chúng ta kiên nhẫn tới giây 59 của phút bù giờ cuối cùng trận đá bóng đỉnh cao.
Cơ hội sẽ luôn luôn tới với các bạn nếu như chúng ta thay đổi lăng kính nhìn cuộc đời, mở rộng tầm suy nghĩ và chiến đấu kiên nhẫn tới những giây cuối cùng. Các bạn sẽ luôn luôn là người chiến thắng và nắm bắt cơ hội thành công.
(Tác giả: Thạc sỹ Vũ Tuấn Anh)