Khởi nghiệp chuyển đổi số

Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi cuộc sống của chúng ta. Chuyển đổi số đang là động lực thay đổi toàn bộ nền kinh tế tại Việt Nam cũng như ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á). Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh của mình nhằm hỗ trợ mua sắm, trao đổi hàng hóa, xuất nhập khẩu. Có thể nói, đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp chuyển đổi số tận dụng tiềm năng và phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực này.

Ứng dụng mô hình 3C trong khởi nghiệp chuyển đổi số

Chuyển đổi số đang được thúc đẩy nhanh chóng từ mô hình 3C (Customer – Competitors – Corporation) mà đi đầu đó chính là Customer – khách hàng. Những đặc điểm tính cách, hành vi và thói quen mua sắm của thế hệ Z (những người sinh trong giai đoạn từ sau năm 1995 đến năm 2012) ngày càng thúc đẩy quá trình dịch vụ và sản phẩm số nhiều hơn. Chữ C thứ hai trong mô hình 3C chính là Competitors – các đối thủ cạnh tranh. Trong vòng 4 năm trở lại nay, chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi sâu sắc ở lĩnh vực vận chuyển khi hàng chục, hàng trăm startup công nghệ đã thay đổi bộ mặt ngành. Dự báo các lĩnh vực thay đổi nhanh chóng dưới tác động cạnh tranh đó là ngành bán lẻ, ngân hàng, du lịch và giáo dục. Yếu tố Company- doanh nghiệp khi chuyển đổi số là mệnh lệnh để doanh nghiệp gia tăng năng suất, chất lượng, độ linh hoạt cũng như tốc độ phục vụ thị trường. 

Bản chất của startup là nhận thấy và đáp ứng nhu cầu của thị trường với một giải pháp sáng tạo sử dụng công nghệ và có khả năng nhân rộng – scale up. Startup có thể hình thành bởi “lực kéo” – đáp ứng nhu cầu thị trường và “lực đẩy” – công nghệ tạo ra cách thức mới. Chuyển đổi số là một cơ hội hiếm hoi khi đồng thời tạo ra lực kéo – từ người sử dụng (thế hệ Z) và lực đẩy – công nghệ mang lại, ví dụ như taxi công nghệ. Như vậy, chuyển đổi số đã mang lại những giá trị vô cùng thuận lợi cho các startup trong vòng 5 năm tới.

Cơ hội khai thác các thị trường tiềm năng

Thị trường chuyển đổi số trong doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với các bạn khởi nghiệp chuyển đổi số (gọi tắt là khởi nghiệp số). Các startup có thể tập trung vào ba cấp độ như sau:

01 – cung cấp các giải pháp số cho các hoạt động truyền thống của doanh nghiệp, đặc biệt trong quản lý nhân sự và hoạt động Marketing.

Một dạng startup điển hình cho dạng này có thể kể đến như Marketing Automation (Marketing tự động). Đây là quy trình ứng dụng phần mềm tự động vào trong Marketing, giúp tạo một loạt tin nhắn linh hoạt để gửi đến khách hàng. Phần mềm này được thiết kế để đảm nhận và tối ưu các đầu việc của Marketing được hoạt động trơn tru, hiệu quả, đúng tiến độ, từ đó doanh nghiệp sẽ đạt được mục tiêu Marketing cao hơn.

02 – cung cấp các nền tảng số cho doanh nghiệp thực hiện các hoạt động. Các startup cung cấp các giải pháp ERP (Enterprise Resource Planning – Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) hoặc vận chuyển / logistics thuộc cấp độ này.

03 – thay đổi hẳn mô hình kinh doanh cho doanh nghiệp.

Ví dụ giải pháp gotadi.com cung cấp nền tảng cho các doanh nghiệp du lịch có thể tự book vé và đặt phòng cạnh tranh với Agoda.

Dù đại dịch COVID-19 đã tác động đến kinh tế – thương mại toàn cầu song doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2020 vẫn tăng trưởng ở mức hai con số. (Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số). Một số thị trường tiềm năng cho khởi nghiệp chuyển đổi số có thể kể đến như:

  • Thị trường B2B:

B2B là viết tắt của cụm từ Business To Business, dùng để chỉ hình thức buôn bán, kinh doanh, giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp. Mô hình kinh doanh này chủ yếu xuất hiện trong lĩnh vực thương mại điện tử, trên các kênh thương mại điện tử là chính.

Thị trường B2B là thị trường rất tiềm năng bền vững cho startup chuyển đổi số, tuy nhiên khởi nghiệp ban đầu khá khó khăn do các doanh nghiệp đòi hỏi các giải pháp số phải thật sự hoàn thiện và vận hành hiệu quả. Nhà nước và các tập đoàn lớn có thể là những bệ đỡ tốt cho các khởi nghiệp số B2B khi đầu tư các khoản tiền seeding và các cam kết mua / sử dụng dịch vụ số. 

  • Thị trường ngành bán lẻ:

Những ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 đã tạo ra nhiều thách thức cho thị trường bán lẻ. khách hàng có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ, chương trình khuyến mãi trên các trang mua sắm trực tuyến nhiều hơn.

Thị trường cho khách hàng ngành bán lẻ sẽ là một thị trường đa dạng cho khởi nghiệp số. Có thể nói tất cả những hình thức, mô hình truyền thống đang diễn ra trên thị trường bán lẻ đều có thể là cơ hội cho các doanh nghiệp startup nếu như doanh nghiệp có đủ khả năng phát triển dịch vụ. Các startup chuyển đổi số trên thị trường bán lẻ hãy đi theo chuỗi hành trình khách hàng truyền thống – Customer Journey.

Dựa trên chuỗi hành trình này, các startup nên tập trung vào các nỗi đau – customer pain point và đổi mới sáng tạo sử dụng công nghệ để gia tăng và cải thiện trải nghiệm khách hàng thông qua giải pháp số. 

Ví dụ, hàng năm có hàng triệu học sinh và phụ huynh loay hoay trong kỳ tuyển sinh để tìm hiểu và lựa chọn các trường Đại học, Cao đẳng tốt và phù hợp với nhu cầu nghề nghiệp cũng như khả năng tài chính của gia đình. Trong hành trình trải nghiệm đó, các phụ huynh và các em học sinh sẽ có vô vàn những nỗi đau. Một tình huống thường gặp trong vấn đề này là khi các phụ huynh, học sinh phải tham dự các ngày hội hướng nghiệp offline trong thời tiết xấu và phải di chuyển hàng chục km tới địa điểm tổ chức. Tại sao không có khởi nghiệp số nào tư duy và đưa ra các giải pháp thị trường rất lớn tiềm năng này?

Thách thức của các doanh nghiệp khởi nghiệp chuyển đổi số

Khởi nghiệp số trong giai đoạn 4.0 đang có nhiều thuận lợi cho các bạn trẻ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, độ rủi ro cũng rất cao khi các doanh nghiệp startup vừa phải phát triển sản phẩm, vừa phải phát triển thị trường.

Một rủi ro lớn thứ hai của khởi nghiệp số đó chính là các mô hình số rất dễ dàng nhân rộng xuyên biên giới giữa các nước ASEAN và thế giới. Các startup công nghệ nước ngoài với tiềm lực tài chính, công nghệ và thị trường rộng lớn sẽ chiếm nhiều ưu thế hơn hẳn các startup trong các lĩnh vực này tại Việt Nam. Các doanh nghiệp khởi nghiệp số sẽ cần phải mở rộng phạm vi nghiên cứu và đánh giá đối thủ cạnh tranh, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở trong khu vực và quốc tế.

Rủi ro lớn thứ ba của khởi nghiệp số là các startup thường bỏ qua nghiên cứu cách thức hoạt động truyền thống cho các giải pháp. Tôi đã từng hỏi một startup khi họ cố gắng đưa ra một giải pháp số vận hành nhà máy thông minh – Smart Digital Manufacturing, nhưng trong team hoàn toàn không có các chuyên gia tư vấn năng suất, chất lượng và cách thức vận hành nhà máy. Như vậy giải pháp của các bạn không thể bám sát và tinh chỉnh theo những yêu cầu thực tế.  Giải pháp số phải bắt đầu từ nền tảng vận hành truyền thống.

Tương lai nào cho các startup chuyển đổi số Việt Nam?

Là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhì khu vực Đông Nam Á với dân số trẻ năng động và khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc chuyển đổi số. Đây là những cơ hội mạnh mẽ để các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam tạo ra sự đột phá trên thị trường nhờ vào chuyển đổi số.

Thế mạnh công nghệ mới đang giúp cho các doanh nghiệp startup giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống trong nước. Xu thế này tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh của nền kinh tế số hiện nay, đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống phải có sự thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục tồn tại và phát triển.

Khởi nghiệp số sẽ là cơ hội lớn cho startup Việt Nam kiến tạo những công ty Unicorn (các startup đạt mức định giá từ 1 tỷ đô la trở lên) trong 5 năm tới. Chúc các bạn trẻ startup sẽ thành công với xu hướng khởi nghiệp số. 

(Nguồn: ThS. Vũ Tuấn Anh – Chuyên Gia Khởi Nghiệp và Đổi Mới Sáng Tạo)

Bài viết cùng chủ đề:

ĐĂNG KÝ NHẬN THÔNG TIN

Vui lòng để lại thông tin liên hệ để nhận được thông báo về các tin tức và tài liệu mới nhất từ website Hướng nghiệp 4.0

    XEM THÊM CÁC EBOOK KHÁC