Sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận dạng bệnh lý và đưa ra hướng điều trị sớm là tham vọng của Microsoft. Họ hy vọng có thể giúp các quốc gia tiết kiệm hơn 150 tỷ USD vào năm 2025 nhờ dự án “AI for Health”.
Mới đây, Microsoft vừa công bố dự án “AI for Health”. Đây là một sáng kiến mới trong lĩnh vực y tế: sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm điều trị cho bệnh nhân ở các khu vực nghèo đói trên thế giới. Quỹ Gates Foundation đầu tư 40 triệu USD trong giai đoạn đầu tiên để thực hiện các nghiên cứu tiên phong.
Dự án hướng đến hai mục đích quan trọng: nghiên cứu tác động của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế và phát triển các thuật toán có khả năng tự phát hiện bệnh tật, đưa ra phương án điều trị thích hợp.
Ngoài xây dựng những công nghệ mới, các nhà nghiên cứu hy vọng có thể thúc đẩy sự lan tỏa của công nghệ trí tuệ nhân tạo vào ngành y các quốc gia, đặc biệt là các nước kém phát triển. Theo Microsoft, đây là bước đi thích hợp nhằm giảm thiểu sự mất quân bình y tế toàn cầu.
Một số nghiên cứu sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào phân tích dữ liệu bệnh nhân đã có kết quả tốt. Năm 2018, Hệ thống Intelligent Retinal Imaging Systems đã nâng cấp thành công công nghệ của Microsoft Azure để chẩn đoán sớm bệnh võng mạc đái tháo đường trước khi bệnh nhân bị mất thị lực.
Tháng 5/2019, trung tâm dữ liệu Microsoft Chief Data Analytics hợp tác với Viện nghiên cứu Trẻ em Seattle (Seattle Children’s Research Institute) đã tạo ra được công cụ giúp đề phòng hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (Sudden Infant Death Syndrome – SIDS). Trung tâm HCA ở Nashville đã phát triển thành công công nghệ tự chẩn đoán nhiễm trùng máu và giúp hơn 5.500 bệnh nhân thoát khỏi bệnh này.
Trí tuệ nhân tạo còn được sử dụng để phát hiện sớm các bệnh, như ung thư. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, có 12,1 triệu lần chụp nhũ ảnh được thực hiện hàng năm ở Mỹ, nhưng một tỷ lệ cao trong số các hình chụp nhũ ảnh này cho kết quả sai, dẫn đến 1 trong 2 phụ nữ khỏe mạnh được thông báo rằng họ bị ung thư. Việc sử dụng AI cho phép xem xét và dịch thuật chụp quang tuyến vú nhanh hơn 30 lần với độ chính xác 99%, giảm chỉ định sinh thiết không cần thiết cũng như làm giảm sự không chắc chắn và căng thẳng của chẩn đoán sai.
Microsoft mời gọi các tổ chức và nhà nghiên cứu tham gia đóng góp cho “AI for Health” bằng cách cho phép họ tiếp cận với các công cụ trí tuệ nhân tạo, tài nguyên điện toán đám mây và cộng tác trực tiếp với các đơn vị nghiên cứu khoa học dữ liệu của mình.
Theo các chuyên gia ước tính, ngành trí tuệ nhân tạo trong y tế có thể tiết kiệm cho các nền kinh tế hơn 150 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn chưa sẵn sàng cho công nghệ mới. Theo một đánh giá sơ bộ do trung tâm Stanford Medicine thực hiện, chỉ có khoảng 5% bác sĩ Hoa Kỳ hào hứng sử dụng công nghệ AI trong y tế.
Một trong những lợi ích tiềm năng của AI là giúp mọi người hạn chế tình huống phải gặp bác sĩ. Việc sử dụng AI và Internet of Medical Things (IoMT) trong các ứng dụng sức khỏe đã giúp mọi người quản lý chăm sóc sức khỏe của chính họ và giữ cho bản thân khỏe mạnh thông qua cuộc sống lành mạnh hơn.
Đây không phải là lần đầu tiên Microsoft thể hiện tham vọng của họ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo y tế. Năm 2019, gã khổng lồ công nghệ công bố một quan hệ đối tác mới với công ty Providence St. Joseph Health, nhằm mục đích cải thiện tương lai của ngành chăm sóc sức khỏe bằng cách tận dụng các dịch vụ trí tuệ nhân tạo. Theo Neowin, một số giải pháp tích hợp sẽ được phát triển thông qua sử dụng cả dữ liệu và chuyên môn của công ty chăm sóc sức khỏe Providence St. Joseph Health cũng như công nghệ từ Microsoft.