Trong khoảng 5 – 10 năm gần đây, hầu hết các lĩnh vực đều nhắc tới cụm từ “bền vững”, ví dụ tăng trưởng bền vững, năng lượng bền vững, phát triển xã hội bền vững,… Vậy, bền vững là gì? Chúng ta đang sống trong một thế giới đa phương, đầy sự biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ (theo khái niệm VUCA – dùng để mô tả về thế giới đa cực). Sự phát triển của Kỷ nguyên số 4.0 và ảnh hưởng của dịch COVID-19, một lần nữa đặt thế giới vào tình trạng bất ổn “VUCA”. Một số ngành nghề được dự đoán sẽ rơi vào tình trạng bão hòa và có thể biến mất trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, những thay đổi này cũng mang lại cơ hội cho một số lĩnh vực khác vươn lên và trở thành nghề “hot”, “khát” nhân lực nhờ vào tương lai phát triển rộng mở, đặc biệt là những ngành liên quan đến tự động hóa, công nghệ thông tin và thiết kế. Câu hỏi đặt ra nhiều nhất hiện nay là, đâu là nghề nghiệp xu hướng “nhất thời”, chỉ nổi bật trong một giai đoạn nhất định? Đâu là nghề nghiệp bền vững?
Thế nào là nghề nghiệp bền vững?
Bền vững thực ra đối với người Việt Nam không phải điều gì xa lạ và mới mẻ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắn gửi đến các thế hệ giáo dục rằng: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người.”, đây chính là câu chuyện bền vững.
Trong bài viết ngày hôm nay, tôi sẽ nói về câu chuyện nghề nghiệp bền vững.
Bạn có sẵn sàng từ bỏ giấc mơ Kỹ sư phần mềm để chuyển sang chạy xe ôm công nghệ nếu mức thu nhập của việc chạy Grab cao hơn hay không? Hay từ bỏ công việc Lập trình viên để làm một công việc freelance ít ổn định và rủi ro vì thời gian làm việc linh động hơn? Tôi nghĩ bạn đang từ bỏ một công việc bền vững để chọn một công việc không bền vững. Đó sẽ một lựa chọn đầy rủi ro và thử thách trong tương lai. Tất nhiên, mỗi người sẽ có nguyên nhân riêng để đưa ra quyết định nghề nghiệp của mình, nhưng bạn nên xác định giá trị và lợi ích của các nghề nghiệp dài hạn và ngắn hạn trước khi bước vào một lĩnh vực nào đó.
Theo mọi người như thế nào nghề nghiệp bền vững? Mục tiêu theo đuổi nghề nghiệp của bạn là gì? Lộ trình phát triển nghề nghiệp của bạn trong tương lai như thế nào? Bạn thích môi trường làm việc như thế nào? Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu?
Đây là những câu hỏi mà các nhà tuyển dụng luôn đặt ra cho các ứng viên của họ khi phỏng vấn để đánh giá được năng lực và định hướng của bạn có phù hợp với tổ chức, doanh nghiệp của họ hay không. Thật ra, những câu hỏi mà các nhà tuyển dụng đưa ra bên trên cũng là yếu tố cho một nghề nghiệp bền vững mà các bạn nên tự đặt ra cho mình.
Các yếu tố để xác định nghề nghiệp bền vững
Nghề nghiệp bền vững được thể hiện qua những yếu tố sau:
- Tương lai nhu cầu tăng trưởng: Yếu tố đầu tiên của nghề nghiệp bền vững là sự ổn định và mức độ tăng trưởng của ngành nghề trong thời gian dài hạn.
Ví dụ về Grab, nhu cầu về nhân viên không thể tăng trưởng mãi mãi, trong xã hội nhu cầu vận chuyển hàng hóa là một con số giới hạn.
- Mức thu nhập trung bình: Chúng ta không nên chỉ kỳ vọng một nghề nghiệp bền vững có một mức lương cao mà còn cần xem xét các yếu tố khác để xác định nghề nghiệp phù hợp với mình. Vì vậy mọi người nên tìm hiểu và nghiên cứu về mức lương trung bình của ngành nghề mình theo đuổi để đưa ra được mức thu nhập phù hợp với mình.
- Kiến thức và kỹ năng ngành nghề đáp ứng nhu cầu xã hội: Trong sự nghiệp của mình, các bạn có thể học tập, rèn luyện và trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để bổ trợ, chuẩn bị cho chúng ta trong tương lai thì đó mới được gọi là nghề nghiệp bền vững.
Kết:
Nghề nghiệp bền vững là những ngành nghề đang phát triển bền vững và có tính ổn định, dễ kiếm việc làm với mức thu nhập phù hợp với mức sống của từng khu vực. Tuy nhiên, để đưa ra quyết định nghề nghiệp, yếu tố sở thích và đam mê cũng là yếu tố cần thiết và quan trọng. Tùy vào sở thích, niềm đam mê, sở trường và năng lực của bản thân, bạn hãy chọn cho mình một ngành nghề phù hợp nhất để theo đuổi và xây dựng nghề nghiệp vững chắc ngay từ hôm nay nhé!