Tuổi trẻ chọn sai: Có nên làm lại?

“Hãy chọn một công việc mà bạn yêu thích, sau đó bạn sẽ không phải làm việc thêm một giờ nào trong suốt phần đời còn lại.”

Trong số rất nhiều câu nói về đam mê mà tôi đã từng đọc, thì đây là câu nói mà tôi ấn tượng nhất. Tôi không nhớ tác giả là ai, cũng chẳng thể tìm được câu trả lời trên Google, nhưng tôi thật lòng muốn nói lời cảm ơn tới tác giả vì câu nói này đã giúp tôi có thêm động lực để đưa ra một quyết định quan trọng trong đời, mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn thấy nuối tiếc là tại sao không làm vậy sớm hơn.

Năm 18 tuổi, tôi cũng như bao học sinh khác khi ấy đứng trước một kỳ thi vô cùng quan trọng trong cuộc đời. Ở một đất nước còn nhiều định kiến và coi trọng bằng cấp như Việt Nam, chẳng có gì khó hiểu khi mọi bậc phụ huynh ai cũng muốn, cũng hy vọng con của mình thi đỗ đại học để có một cuộc sống tốt đẹp hơn – một ước muốn vô cùng chính đáng. Bản thân tôi khi ấy cũng nghĩ vậy, học xong cấp ba, cố gắng để thi vào một trường đại học nào đó, khi tốt nghiệp sẽ có một công việc thật tốt, được mọi người tôn trọng và có thể kiếm được thật nhiều tiền. Tôi hình dung ra việc đi học đại học sẽ diễn ra giống như trong những câu chuyện mà tôi đã từng đọc. Cô giáo tôi đã từng kể, lên đại học sẽ rất vui, sẽ có nhiều sách để đọc, sẽ giúp ta rèn luyện cả về trí tuệ lẫn đạo đức, sẽ được sống xa gia đình, tự lập và sẽ được tự do tự tại làm những việc mình thích. Khi ấy, những khái niệm như lập trình, ứng dụng di động, đam mê và thành công chưa hề có trong tiềm thức hay suy nghĩ của tôi. Nhưng thật đáng tiếc, ở kỳ thi thử tốt nghiệp tôi chỉ đạt 26 điểm – trượt tốt nghiệp. Thi thật tôi được 41,5 điểm – đỗ tốt nghiệp và thi đại học tôi được 13,5 điểm – đỗ vào trường đại học Kỹ thuật Công Nghiệp Thái Nguyên, rất nhiều người bất ngờ vì điều đó, ngoại trừ tôi. Mọi người đoán xem tôi có vui không? Tôi nhớ rất rõ là có, nhưng chỉ trong vài phút. Với tôi lúc ấy, niềm vui lớn nhất là được tự do, được xa nhà, chấm hết! Tôi chính thức trở thành sinh viên đại học.

Năm nhất đại học, cuộc sống ở bên ngoài của tôi đúng là rất vui. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn thấy đó là những ngày tháng vui nhất của cuộc đời mình. Còn về học tập ư? Thật tệ. Tôi bước chân vào giảng đường đại học với quyết tâm cao vời vợi. Tôi đăng ký học khoa tiên tiến của trường, dù học phí rất cao nhưng nghe những lời tư vấn thì tôi thấy nó xứng đáng và tự tin là bản thân mình sẽ theo được.

Kết thúc năm nhất, tôi bị cảnh cáo cả bốn kỳ vì nghỉ học quá nhiều và suýt bị đuổi học nếu không có cam kết của gia đình. Mọi tưởng tượng về môi trường đại học trong tôi hoàn toàn sụp đổ, đi học với tôi khi ấy chỉ có thể diễn tả bằng 1 từ: Chán! Năm nhất khép lại…

Ngày đầu tiên của năm hai, tôi ăn mặc thật đẹp, mang sách vở đầy đủ, cùng với quyết tâm cao ngất ngưởng. Nhưng tôi chỉ nhớ được đến vậy, sau đó thì… Chẳng cần nói thì có lẽ ai cũng biết.

Tôi bắt đầu thích điện thoại, không có lý do, chỉ đơn giản là thích. Tôi xin bố mẹ cho nghỉ học để học cái khác, nhưng không được chấp nhận. Tôi vẫn thích điện thoại, sau đó là mê mẩn và nghiện. Thật tình cờ, khi ấy chúng tôi lại được học về lập trình website trong 4 ngày, một lĩnh vực chẳng liên quan gì đến chuyên ngành tôi đang học, nhưng với tôi đó lại là một dấu ấn đặc biệt, vì từ đó tôi bắt đầu thích lập trình. Tôi bắt đầu tìm hiểu về công nghệ và dần dần chúng đã ngấm vào máu lúc nào không hay. Thích điện thoại, thích lập trình, tôi khát khao tột cùng được trở thành một lập trình viên phát triển ứng dụng di động. Tôi lại nghĩ: “Cái nghề này chắc khó lắm, ở Việt Nam chắc không dạy nổi, chắc chỉ có ở nước ngoài, mà như vậy thì chắc sẽ rất đắt, lấy đâu tiền mà đi học?”. Với những ý nghĩ ngu ngốc như vậy, tôi lại tiếp tục an phận ở trường đại học. Bây giờ nhớ lại, tôi thật không thể tưởng tượng nổi sinh viên năm 2 đại học mà còn khù khờ đến vậy.

Nhưng có lẽ định mệnh đã an bài tôi phải trở thành một lập trình viên. Một người bạn của tôi tên Lâm, từng học cùng tôi nhưng sau đó bỏ ngang để đi học lập trình. Lâm hoàn thành ứng dụng xem tivi cho Android và chia sẻ nó lên Facebook. Tất cả bạn bè đều được tag và thật may mắn tôi có tên trong số đó. Tôi ngạc nhiên, vui sướng và vội vàng nhắn tin hỏi han tới tấp. Sau cùng, tôi đã có câu trả lời cho bản thân mình và bắt đầu thực hiện nó. Khi ấy là cuối năm hai.

Thế nhưng chưa kịp vui mừng thì tôi bị gia đình phản ứng dữ dội. Học phí quá cao, bố mẹ cũng không biết lập trình là cái nghề gì, tôi ngậm ngùi và tiếp tục an phận ở mái trường đại học với kết quả học tập đứng cuối lớp và khả năng cao là không thể ra trường.

Năm hai khép lại: Đam mê lập trình nhen nhóm.

Năm ba, cuộc sống tôi lại trôi qua trong tẻ nhạt cho đến khi tôi đọc được câu nói:

“Hãy chọn một công việc mà bạn yêu thích sau đó bạn sẽ không phải làm việc thêm một giờ nào trong suốt phần đời còn lại.”

Tôi như kẻ đang đi trong bóng tối chợt thấy ánh mặt trời vậy, tôi biết mình cần phải làm gì và lần này sẽ không còn ai có thể ngăn cản được tôi nữa. Đây là cuộc đời của tôi và tôi phải sống cuộc đời của mình, tuyệt đối không thể sống cuộc đời vì người khác, tôi không được phép sợ hãi nữa.

Theo như lời tư vấn của Lâm, tôi đăng ký khóa học Lập trình phát triển ứng dụng di động tại VTC Academy – chuyên ngành mà tôi hằng mong ước. Tôi đã vô cùng vui sướng khi biết mình đỗ, hình như còn khóc nữa thì phải (cái này không chắc chắn nhé :D) – một sinh viên đại học vui sướng vì sắp được bỏ học chia sẻ. Tôi vui sướng, hào hứng báo tin cho bố mẹ nhưng bị bố mẹ mắng té tát: “Cái đấy là cái ngành gì? Mày có bị làm sao không thế? Đang học đại học lại muốn bỏ, mày có biết tao nuôi mày ăn học 3 năm trời tốn mất bao nhiêu tiền của không, hả?”. Tôi cúp máy trước khi vỡ loa điện thoại. Tôi thất vọng, chán nản và lạc lối!

Đúng vậy, 3 năm tôi đi học đã tốn rất nhiều tiền bạc của bố mẹ. Nếu tôi làm vậy thì có bị hàng xóm, anh em bạn bè cười chê không nhỉ? Học xong ra trường rồi đi làm, lấy vợ sinh con rồi chết, bao nhiêu người vẫn sống vậy đấy thôi. Vả lại, đam mê là cái gì? Chặng đường phía trước còn đầy rủi ro. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều…

Năm ba khép lại: Mơ hồ.

Tôi bước vào năm tư đại học với thân xác mỏi mệt và trái tim luôn nghĩ về đam mê của mình. Tôi gần như buông xuôi việc học. Kệ! Đến đâu thì đến.

Lại thêm một học kỳ nữa ở trường đại học, tôi trượt tất cả các môn đã học và cũng không đạt điểm tiếng anh 500 TOEFL. Sẽ ra sao nếu tôi cứ tiếp tục như vậy? Một tương lai mù mịt ở phía trước. Tiền bạc mất đi có thể kiếm lại được nhưng tuổi trẻ thì không. Tôi không thể để tuổi thanh xuân của mình trôi qua như vậy được. Tôi cần phải hành động.

Tháng 07 – 2015, VTC Academy tổ chức một buổi hội thảo về lập trình và tôi quyết định tham gia. Tôi về nhà từ buổi chiều hôm trước và đi xe máy lên trường vào buổi tối, bố mẹ không hề biết. Tôi còn nhớ rất rõ đêm hôm ấy, phóng xe đi trong đêm tối, mưa gió bão bùng mà lòng tôi lại vui sướng rộn ràng.

Lúc về tôi bị lạc đường và thủng săm, đỗ xe bên vệ đường và chưa kịp nghĩ ngợi gì thì ở ngay cạnh chỗ tôi đỗ xe có dòng chữ: Vá săm, kèm theo 1 sđt. Tôi gọi vào số đó và chỉ 30p sau vấn đề của tôi được giải quyết, hết 30 nghìn – số tiền chả thấm vào đâu vì hôm ấy tôi mang theo những 500 nghìn cơ. Từ Hà Nội trở về, tôi nói với bố mẹ tất cả mọi chuyện. Bố mẹ tôi quyết định họp gia đình và nhiệm vụ của tôi là đấu tranh để được sự đồng ý của bố, chị gái và anh rể. Sau một hồi tranh cãi quyết liệt giữa tôi và cả nhà, cuối cùng bố mẹ nói:

– Bây giờ mày lớn rồi, làm gì thì cũng phải suy nghĩ cho kỹ chứ không phải cứ thích là làm bằng được.

Tôi đáp:

– Chính vì con đã lớn nên con mới hiểu rõ là con muốn làm nghề gì, muốn trở thành người như thế nào, muốn sống như thế nào và quyết định ngày hôm nay của con thì bản thân con mới là người gánh hậu quả có khổ thì con vẫn là người khổ nhất.

Im lặng…

Các bạn đoán xem tôi có thành công không?

Yes, tôi được bố mẹ đồng ý và không có năm năm tại trường đại học. Ngày đỗ vào trường cũng vui mà ngày bỏ còn vui hơn gấp bội.

Farewell Thai Nguyen University of Technology!

Ngày 08 – 09 – 2015, tôi đi học buổi đầu tiên tại VTC Academy, chính thức đặt chân lên con đường trở thành một lập trình viên chuyên nghiệp. Bốn năm là một khoảng thời gian dài trong cuộc đời mỗi người, nhưng tôi không hối hận, không tiếc nuối vì tiếc nuối cũng đâu có được gì. Tôi không bảo lưu kết quả đại học, tôi muốn dồn bản thân vào đường cùng để xem tôi có thể làm được những gì. Tôi sẽ tìm sự sống trong cái chết. Mỗi ngày tôi đều tự nhủ với chính mình: “Hoàng Anh kia, nếu ngay cả công việc mày yêu thích nhất mà mày cũng không thể làm làm tốt được thì mày có thể làm tốt được công việc nào đây?”. Và thế là tôi lại có thêm động lực để cố gắng.

Nhưng dù bạn có đam mê một việc nào đó đến đâu đi chăng nữa thì chắc chắn sẽ có lúc bạn cảm thấy chán nản, bất lực nhất là việc lập trình, bạn cảm thấy đam mê chỉ là một cái gì đó mơ hồ, mông lung và xa vời. Đứng trước những khó khăn, không ít lần tôi cũng đã cảm thấy như vậy và lại tự hỏi bản thân mình: “Hoàng Anh! Ngày mai mày sẽ là ai? Sẽ trở thành người như thế nào nếu như ngày hôm nay mày bỏ cuộc?”.

Tình yêu với lập trình trỗi dậy, những lời chê cười kẻ bỏ đại học giữa chừng vang lên và tôi biết mình không thể bỏ cuộc. Tôi lại lao vào học như chưa bao giờ được học, tôi code 12 tiếng mỗi ngày và đi ngủ trong trạng thái bộ não bị tê liệt. Có một từ rất hay và chuẩn để diễn tả tôi lúc này: Đơ!

Tôi có trò chuyện với một anh lập trình viên và anh ấy nói rằng: “Em mà cứ làm như vậy thì đến 30 tuổi là em chết.” Thế là tôi rút ngắn thời gian code mỗi ngày xuống còn 10 tiếng, thời gian còn lại tôi đọc sách, viết truyện ngắn và xem phim tình cảm. Tuyệt vời!

Thấm thoát cũng được hơn nửa năm, tôi không phải dùng đến hai câu hỏi trên kia nữa vì tôi biết mình đã có những bước đi vững chắc trên con đường này.

Nhà phát minh vĩ đại của thế kỷ 20 – Thomas Edison – dù ông ấy làm việc 18 tiếng mỗi ngày, nhưng ông ấy cũng đã từng nói: “Suốt đời tôi, tôi chưa hề làm việc.” Vui thật! Giống như một trò chơi tuyệt vời.

Tôi biết mình sẽ chẳng thể nào sánh được với những con người vĩ đại ấy nhưng nếu có ai đó hỏi tôi rằng: “Mày có nuối tiếc về quá khứ không?”, tôi sẽ trả lời là “Không!”.

Và dù cả trăm ngàn người hỏi rằng: “Thế hiện tại bạn có hạnh phúc không?” thì câu trả lời sẽ luôn luôn là: “Có! Tôi đang rất hạnh phúc.”

Anh Hoàng viết ngày 11/05/2018

(Nguồn: Kipalog)

Bài viết cùng chủ đề:

ĐĂNG KÝ NHẬN THÔNG TIN

Vui lòng để lại thông tin liên hệ để nhận được thông báo về các tin tức và tài liệu mới nhất từ website Hướng nghiệp 4.0

    XEM THÊM CÁC EBOOK KHÁC