Xu hướng thị trường lao động Việt Nam: Thông qua lăng kính các chỉ tiêu và mục tiêu phát triển bền vững quốc tế

17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam

Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDG), còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, là mục tiêu phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc (LHQ). Mục tiêu phát triển bền vững là sự tiếp nối của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (Millennium Development Goals – MDG).

Các SDG dựa trên sáu chủ đề bao gồm: Nhân phẩm, Con người, Hành tinh, Quan hệ đối tác, Công lý và Thịnh vượng. SDG toàn diện hơn so với MDG và bao gồm 17 mục tiêu, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu. Những mục tiêu này vượt ra tầm phát triển xã hội, bao gồm cả các mục tiêu đối với biến đổi khí hậu, bất bình đẳng kinh tế, đổi mới, tiêu thụ bền vững, hòa bình, công bằng… Mỗi mục tiêu được kết nối với nhau và thành công trong một mục tiêu thường sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực khác.

Các SDG kêu gọi hành động toàn cầu nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và khí hậu trái đất và đảm bảo mọi người ở khắp mọi nơi có thể tận hưởng hòa bình và thịnh vượng. Đây là những mục tiêu mà Liên Hợp Quốc đang thực hiện ở Việt Nam:

  • Mục tiêu 1. Xóa nghèo dưới mọi hình thức ở mọi nơi
  • Mục tiêu 2. Xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng, phát triển nông nghiệp bền vững
  • Mục tiêu 3. Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và thúc đẩy hạnh phúc cho mọi người
  • Mục tiêu 4. Đảm bảo giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng và nâng cao cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người
  • Mục tiêu 5. Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái
  • Mục tiêu 6. Đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người
  • Mục tiêu 7. Đảm bảo việc tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người
  • Mục tiêu 8. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, rộng mở và bền vững, việc làm đầy đủ và năng suất và công việc tốt cho tất cả mọi người
  • Mục tiêu 9. Xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, đẩy mạnh công nghiệp hóa rộng mở và bền vững, khuyến khích đổi mới
  • Mục tiêu 10. Giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia
  • Mục tiêu 11. Xây dựng các đô thị và các khu dân cư mở cửa cho tất cả mọi người, an toàn, vững chắc và bền vững
  • Mục tiêu 12. Đảm bảo các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững
  • Mục tiêu 13. Có biện pháp khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của nó
  • Mục tiêu 14. Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho phát triển bền vững
  • Mục tiêu 15. Bảo vệ, tái tạo và khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn, quản lý tài nguyên rừng bền vững, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học
  • Mục tiêu 16. Thúc đẩy xã hội hòa bình và rộng mở cho phát triển bền vững, mang công bằng đến với tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và rộng mở ở tất cả các cấp
  • Mục tiêu 17. Đẩy mạnh cách thức thực hiện và đem lại sức sống mới cho quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững

Chương trình nghị sự 2030 của LHQ được thông qua năm 2015 phản ánh cách tiếp cận toàn diện và tổng hợp về phát triển toàn cầu, áp dụng cho tất cả các quốc gia ở bất kỳ trình độ phát triển kinh tế nào cam kết theo đuổi nguyên tắc chính là không bỏ ai lại phía sau. Cốt lõi của mô hình phát triển toàn cầu mới là 17 Mục tiêu phát triển bền vững, viết gọn là SDGs. Một bộ các chỉ tiêu thích hợp đã được lựa chọn để giám sát tiến độ thực hiện SDG, trong đó có một số chỉ tiêu được thiết kế riêng cho mục đích này.

Những nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được 17 mục tiêu SDG

Hiện nay, Việt Nam là một quốc gia có thu nhập trung bình thấp với nền kinh tế năng động, hội nhập cao vào thị trường toàn cầu. Nền kinh tế Việt Nam đã phát triển không ngừng trong hơn ba thập kỷ với một số lĩnh vực bùng nổ như du lịch, thương mại và công nghiệp chế biến chế tạo. Không chỉ phát triển mạnh mẽ nền kinh tế, Việt Nam còn phát triển các lĩnh vực khác nhau của đời sống. Theo Chỉ số phát triển con người năm 2018, có tính đến yếu tố sức khỏe (thông qua tuổi thọ bình quân), giáo dục (qua các năm đi học trung bình) và mức sống (thông qua tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người), Việt Nam nằm trong nhóm phát triển con người trung bình.

Ngoài những chuyển đổi về kinh tế, Việt Nam cũng trải qua những thay đổi xã hội đáng kể, đi cùng với sự chuyển biến về dân số. Các dịch vụ y tế và giáo dục được cải thiện và trở nên dễ tiếp cận hơn, nghèo đói giảm đáng kể và chất lượng cuộc sống nhìn chung tăng lên. Hầu hết những thành tựu này được phân phối công bằng giữa phụ nữ và nam giới, góp phần thu hẹp chênh lệch về giới và thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ.

Đến tháng 09/2015, Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 3 trong 8 MDGs (giảm nghèo, giáo dục và bình đẳng giới), và một số mục tiêu cụ thể khác liên quan đến tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, kiểm soát bệnh truyền nhiễm.

Chương trình nghị sự về việc làm thỏa đáng của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) là trọng tâm để đạt được mô hình phát triển mới này. Nhu cầu về việc làm thỏa đáng của cả nam giới và phụ nữ chủ yếu nằm trong Mục tiêu số 8, nhưng cũng là một chủ đề xuyên suốt làm nền tảng cho việc đạt được các mục tiêu khác. Do đó, trong khi hầu hết các chỉ tiêu liên quan đến lao động đều nằm ở Mục tiêu số 8, một số chỉ tiêu lại nằm ở các mục tiêu khác như Mục tiêu số 1, 5 và 10.

Bà Hà Thị Nga – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn “Thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững từ góc độ bình đẳng giới”, đây là cơ hội để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; chuyển đổi số trong bối cảnh COVID-19; lãnh đạo nữ, doanh nghiệp nữ vượt qua thách thức, phòng, chống bạo lực giới, thành phố an toàn, hòa bình, an ninh,… hướng tới các mục tiêu mang tính chiến lược này với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ thực hiện khung phát triển bền vững mới. Cụ thể, năm 2017, Việt Nam đã thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về Chương trình nghị sự 2030, đầu năm 2019, đã công bố danh mục các Chỉ tiêu thống kê về Phát triển bền vững của Việt Nam làm công cụ để quốc gia hóa khung SDG và đảm bảo cam kết từ các cơ quan hữu quan.

Trong giai đoạn tiếp theo, để tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch nhằm đạt được SDGs một cách hiệu quả trên thực tế, Việt Nam cần phải nỗ lực và tập trung nguồn lực đối với những nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế về năng lực quản trị của các cơ quan nhà nước, tiếp tục rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chí đánh giá việc thực hiện SDGs tại Việt Nam.

Hai là, xác định các ưu tiên trong tiến trình thực hiện SDGs tại Việt Nam trong giai đoạn tới, phù hợp với nguồn lực và nền tảng phát triển khi thực hiện 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu cụ thể. Đồng thời, chú trọng hoàn thiện các tiêu chí hướng dẫn lồng ghép SDGs vào chính sách phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương trong cả nước.

Ba là, cần nhận diện những nguyên nhân sâu xa, những vấn đề cốt lõi của những thách thức, hạn chế để cùng khắc phục trong thời gian tới. Hiện nay, Việt Nam có nhiều thuận lợi trong thực hiện SDGs, như toàn Đảng, toàn dân quyết tâm chính trị cao, môi trường an ninh chính trị, trật tự xã hội ổn định, Việt Nam đã có kinh nghiệm thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, uy tín và vị thế quốc gia ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam còn đứng trước nhiều thách thức, đó là xuất phát từ yêu cầu phát triển nội tại nền kinh tế, nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực có mặt còn hạn chế. Trong khi đó, Việt Nam phải chịu tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. Tình hình này đặt ra những thách thức đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực khắc phục, giải quyết.

Bốn là, Quốc hội Việt Nam sẽ tăng cường hoạt động của các đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, tổ chức xây dựng khung đánh giá phát triển bền vững, tiến hành giám sát định kỳ tiến độ triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, tổ chức các hoạt động khảo sát thực tế tại địa phương, khuyến khích các chính sách phát triển kinh tế đi đôi với yếu tố bền vững về môi trường và xã hội.

Năm là, về cơ chế phối hợp, việc tăng cường kết nối thông tin, phối hợp hành động giữa Chính phủ và Quốc hội cần được thực hiện chặt chẽ và thường xuyên hơn. Trong năm 2020, cần tổ chức để Chính phủ báo cáo Quốc hội việc sơ kết 5 năm thực hiện SDGs. Đây là cơ sở để Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, Hội đồng quốc gia vì phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục thúc đẩy cơ chế liên ngành, trong đó cần có sự tham gia của các cơ quan của Quốc hội mà Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội giữ vai trò điều phối.

Sáu là, phát huy cơ chế hợp tác, quan hệ đối tác với các tổ chức trong nước và quốc tế, các nước đối tác nhằm bổ sung nguồn lực, kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện SDGs.

Kết

Tổng thư ký của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) Mukhisa Kituyi cho rằng đại dịch COVID-19 đòi hỏi cần có những khởi động mới về kinh tế và tri thức. Theo ông, việc xây dựng năng lực sản xuất nhằm thúc đẩy chuyển đổi cấu trúc và đa dạng kinh tế sẽ đóng vai trò quan trọng giúp vượt qua tình trạng đứt gãy của nền kinh tế toàn cầu hiện nay và giải quyết những thách thức mới do đại dịch COVID-19 gây ra.

17 mục tiêu phát triển bền vững của LHQ chính là 17 con đường cho phát triển nghề nghiệp của tương lai hội nhập toàn cầu.

Bài viết cùng chủ đề:

ĐĂNG KÝ NHẬN THÔNG TIN

Vui lòng để lại thông tin liên hệ để nhận được thông báo về các tin tức và tài liệu mới nhất từ website Hướng nghiệp 4.0

    XEM THÊM CÁC EBOOK KHÁC