Chuyên viên môi giới chứng khoán – họ là ai?
Chuyên viên môi giới chứng khoán là người tư vấn và thực hiện giao dịch cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Họ thường tư vấn cho khách hàng của mình trong những giao dịch chứng khoán; phân tích và giải thích cho thân chủ về phương thức hoạt động của thị trường chứng khoán, thu thập thông tin để giúp khách hàng có sự đầu tư tốt nhất. Khi được ủy thác giao dịch, chuyên viên môi giới chứng khoán sẽ liên lạc với sàn giao dịch thông qua mạng internet hay điện thoại.
Các công việc chính của chuyên viên môi giới chứng khoán
Nghề môi giới chứng khoán sẽ làm những công việc liên quan rất nhiều đến khả năng tổng hợp, phân tích biến động của thị trường chứng khoán để đưa ra được những tư vấn hữu ích cho khách hàng. Những công việc thường ngày của chuyên viên môi giới chứng khoán là:
- Tìm kiếm và phát triển mạng lưới khách hàng: Những nhân viên môi giới chứng khoán cũng giống như nhân viên kinh doanh của công ty, cũng mang trọng trách về doanh số và sự phát triển thịnh vượng của công ty. Vì vậy, họ rất tích cực trong việc mở rộng quan hệ với khách hàng để đem lại nhiều lợi nhuận cho công ty.
- Tư vấn mua bán cổ phiếu: Nhân viên môi giới chứng khoán thường tư vấn cho khách hàng của mình trong mỗi giao dịch, giải thích cho họ về phương thức hoạt động của thị trường chứng khoán
- Nhận định tình hình thị trường: Điều này đòi hỏi nhân viên môi giới chứng khoán phải nhạy cảm để đưa ra những dự báo về biến động trên thị trường chứng khoán.
- Phân tích tình hình và đưa ra lời khuyên đầu tư phù hợp: Đối với những người mới bắt đầu, nhân viên môi giới chứng khoán giống như một người thầy đặt lên những nét bút đầu tiên vào trang giấy trắng. Đối với những người chơi lâu năm, nhân viên môi giới chứng khoán giúp họ thăm dò thị trường, mở rộng quan hệ làm ăn.
Kỹ năng cần có của người môi giới chứng khoán
Bên cạnh những kiến thức chuyên sâu về môi giới, người môi giới chứng khoán cần đạt được những kỹ năng mềm như sau:
- Kỹ năng truyền đạt thông tin
Để có được kỹ năng này, người môi giới trước tiên cần nắm bắt được những thông tin cơ bản về sở thích, nhu cầu, khả năng của khách hàng. Từ đó, truyền đạt những thông tin cần thiết với khách hàng với thái độ quan tâm, săn sóc, lắng nghe và hiểu khách hàng.
Người môi giới giỏi là người khiến khách hàng tín nhiệm là người có uy tín, làm cho khách hàng cảm thấy họ quan trọng, luôn đặt lợi ích khách hàng lên hàng đầu.
- Kỹ năng tìm kiếm khách hàng
Từ những kinh nghiệm của những nhà môi giới chứng khoán thành công, có rất nhiều phương pháp để tìm kiếm khách hàng như: viết thư, gửi email, gọi điện trực tiếp, quen biết trong các cuộc hội thảo,…
Áp dụng những phương pháp đó một cách thuần thục, bạn sẽ có được nhiều khách hàng tiềm năng trong tương lai.
- Kỹ năng khai thác thông tin
Một người môi giới chứng khoán muốn thu hút thật nhiều khách hàng đến với mình, trước tiên họ phải có những am hiểu sâu rộng về chứng khoán để giải thích, phân tích, định hướng cho khách hàng.
Để đạt được kỹ năng, bạn cần nâng cao kiến thức bằng cách cập nhất thông tin ở một số tờ báo, tạp chí uy tín chuyên về chứng khoán như Thời báo kinh tế Việt Nam, The Economist, Financial Times,… tham khảo thông tin trên các website tài chính như BBC, CNN,…
Lương chuyên viên môi giới chứng khoán và các giai đoạn tương ứng trong nghề
Thu nhập của một chuyên viên môi giới chứng khoán gồm hai phần: phần thứ nhất là lương cố định và phần thứ hai là hoa hồng dựa trên doanh thu khách hàng giao dịch trên sàn chứng khoán. Một nhân viên môi giới chứng khoán trong nghề thường trải qua ba giai đoạn tỷ lệ thuận với mức lương nhận được: giai đoạn từ 1-5 năm đầu với thu nhập chưa cao do chưa nhiều kinh nghiệm và các mối quan hệ; giai đoạn từ 5-10 năm khi các chuyên viên môi giới đã khá trưởng thành và tích lũy được tương đối nhiều kinh nghiệm, có được lượng khách hàng ổn định và có mối quan hệ tương đối tốt với các nhà đầu tư chứng khoán; giai đoạn từ 10 năm trở lên, khi các nhân viên môi giới chứng khoán đã trở thành những môi giới gạo cội của thị trường. Ở giai đoạn này, nhờ vào sự am hiểu chuyên môn sâu cũng như kinh nghiệm dày dạn, họ thường là những chuyên gia, chuyên viên cao cấp, chiến lược gia của các công ty chứng khoán. Và để giữ chân họ, các công ty cũng phải trả mức lương được tính bằng hàng nghìn USD.