Quan hệ công chúng là gì?
Quan hệ công chúng là ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, nhằm phân tích những xu hướng phát triển, dự đoán kết quả, tư vấn, hướng dẫn, tham mưu cho các nhà lãnh đạo của tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và thực hiện các chương trình đã được lập kế hoạch để phục vụ cho quyền lợi của tổ chức, xã hội.
Cơ hội việc làm ngành quan hệ công chúng
Học ngành quan hệ công chúng, sinh viên có nhiều cơ hội việc làm khi ra trường. Bạn có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực như: Kinh tế, xã hội, thương mại, giáo dục, y học tại các cơ quan nhà nước, chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và nước ngoài. Cụ thể:
- Chuyên viên PR: Đảm nhận các vị trí công việc như phụ trách quan hệ báo chí, quan hệ cộng đồng, tổ chức sự kiện, tổ chức truyền thông nội bộ,… tại các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, tổ chức kinh tế, quốc tế và tổ chức xã hội, phi chính phủ,…
- Phóng viên, biên tập viên làm việc tại các cơ quan báo chí, tạp chí, hãng thông tấn, đài phát thanh, đài truyền hình và các kênh truyền thông,…
- Chuyên viên phân tích và tư vấn quan hệ công chúng: Làm các công việc như trợ lý phân tích và lập báo cáo về môi trường truyền thông đối nội và đối ngoại của đơn vị, trợ lý xây dựng và thực hiện chiến lược truyền thông trong kinh doanh, phát triển đội ngũ nhân sự, xây dựng và phát triển thương hiệu. Các chuyên viên này sẽ làm việc tại các công ty, tổ chức tư vấn quản trị truyền thông doanh nghiệp, các Bộ và Sở, Ban, Ngành liên quan đến truyền thông.
- Nghiên cứu, giảng dạy môn PR trong các cơ sở giáo dục đại học, tham gia nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến truyền thông, quan hệ công chúng; trợ lý giảng dạy và tương lai có thể trở thành nghiên cứu viên, giảng viên cao cấp; nhà quản lý trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu về truyền thông và quan hệ công chúng.
“Khát” nguồn nhân lực quan hệ công chúng
Hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước đang rất cần một đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp để thực hiện công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, giúp công ty, tổ chức truyền tải được thông điệp tới khách hàng, nâng cao thị phần trên thị trường và khẳng định thương hiệu. Là một trong những ngành có lĩnh vực nghề nghiệp rộng mở, các cử nhân ngành PR có rất nhiều sự lựa chọn cho tương lai của mình. Ngành PR thật sự rất hấp dẫn, tất nhiên để thành công trong ngành đòi hỏi người học phải có sự trang bị, trau dồi những kỹ năng cần thiết thông qua các hoạt động “người thật việc thật”.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ buộc phải tuyển dụng nhân lực từ các chuyên ngành khác cho vị trí PR, do nhân lực đúng chuyên ngành PR thiếu hụt trầm trọng. Theo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, hiện nay có khoảng 7.000 công ty quảng cáo – PR, nhân lực cho ngành này ít nhất là 70.000 lao động. Các công ty buộc phải tuyển dụng từ các chuyên ngành như báo chí, ngoại ngữ, kinh tế hoặc được đào tạo qua các khóa học ngắn hạn, thậm chí có những người làm PR nhưng chưa hề qua một khóa đào tạo nào về PR. Cơ hội việc làm trong lĩnh vực quan hệ công chúng sẽ tiếp tục mở rộng trong tương lai, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường giàu tính cạnh tranh.
Ngành “hot” lương khủng
Theo thống kê, mức lương trung bình cho một chuyên viên PR thuộc top cao, khởi điểm ở mức 7 – 15 triệu/tháng, và khi đạt được những vị trí quản lý tầm trung trở lên, mức lương đạt được của ngành này là hàng nghìn đô tùy vào khả năng và kinh nghiệm. Cụ thể, mức lương của nhân viên mới tại các công ty PR chuyên nghiệp trung bình hàng tháng là từ 250 – 500 USD (từ 6 đến 12 triệu VNĐ). Nhóm chuyên viên tại các công ty, tập đoàn lớn có thu nhập cao hơn, từ 600 – 1000 USD (14 – 23 triệu VNĐ); còn nhóm quản lý cấp cao thì có mức lương là từ 1000 – 2500 USD (khoảng 23 – 59 triệu VNĐ),… Và mức lương này ngày càng tăng mạnh do sự thiếu hụt nguồn lao động của ngành này.