Sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ biến công nghệ thành yếu tố then chốt có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực và ngành nghề. Các nghề nghiệp thuộc nhóm ngành xã hội cũng không nằm ngoài quy luật. Trong vài thập kỷ tới, cùng với sự biến mất của một số ngành nghề truyền thống, sẽ có những nghề nghiệp mới lên ngôi và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống của nhân loại, điển hình như những nghề nghiệp dưới đây.
1. Nhà giáo dục trí tuệ nhân tạo
Nhà giáo dục trí tuệ nhân tạo dạy mọi người về việc tận dụng tối đa trí tuệ nhân tạo bao gồm cách làm việc với robot gia đình và trợ lý kỹ thuật số bằng việc học cách sử dụng các công cụ thuật toán để phân tích dữ liệu lớn hoặc đưa ra quyết định.
Không giống như một thông dịch viên thuật toán – người giải thích chính xác cách trí thông minh nhân tạo đưa ra một câu trả lời cụ thể, nhà giáo dục trí tuệ nhân tạo sẽ dạy mọi người cách máy móc học và thích nghi với con người. Họ trao đổi với mọi người để giúp tìm ra thời điểm và cách sử dụng robot/trợ lý, cung cấp dữ liệu đúng và tương tác với chúng một cách hiệu quả.
Các nhà giáo dục trí tuệ nhân tạo có kỹ năng giao tiếp tốt và am hiểu về cách làm việc với nhiều khách hàng khác nhau. Họ có nhiều hiểu biết về kỹ thuật số và có kiến thức thực tế trong việc tương tác với trợ lý robot/trợ lý kỹ thuật số. Ngoài ra, nếu muốn trở thành nhà giáo dục trí tuệ nhân tạo, kiến thức cơ bản về học máy (Machine Learning) là không thể thiếu.
2. Cố vấn giáo dục trọn đời
Sự phát triển không ngừng của xã hội kéo theo sự xuất hiện liên tục của các nghề nghiệp mới. Mọi người sẽ có nhiều cơ hội “nhảy việc”, chuyển ngành, chọn cho mình những công việc/nghề nghiệp mới trong suốt lộ trình sự nghiệp. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn dự định gắn bó cả đời với chỉ một nghề nghiệp duy nhất, yếu tố cốt lõi để thành công vẫn là việc không ngừng học hỏi và cập nhật các công nghệ mới, ứng dụng các giải pháp công nghệ, nắm bắt thực tế phát triển của xã hội, liên tục nâng cao các kỹ năng và “tái đào tạo” bản thân.
Tuy nhiên, việc “tái đào tạo” bản thân đối với mỗi cá nhân không phải là việc dễ dàng, bởi đa phần các đơn vị đào tạo hiện nay đều chỉ đang tập trung vào mục tiêu đào tạo những kỹ năng và chuyên môn cụ thể để đáp ứng những nhu cầu ngắn hạn. Trong khi đó, tái đào tạo là việc mỗi cá thể trong quần thể lao động cần thực hiện liên tục và bền bỉ nếu muốn nâng cấp bản thân hiệu quả và lâu dài. Đó là lý do xuất hiện của các chuyên gia về giáo dục với tên gọi “cố vấn giáo dục trọn đời” (Lifelong Education Advisor). Các vị cố vấn này sẽ hỗ trợ “khách hàng” bằng cách cung cấp những hiểu biết chuyên sâu và đầy đủ về những nghề nghiệp mới xuất hiện, những giải pháp công nghệ hữu ích, những kỹ năng cần thiết để bắt đầu một công việc mới,… Nói chung, họ giống như những “trợ lý” chuyên về giáo dục và đào tạo mà mỗi cá nhân sẽ cần đến để đáp ứng nhu cầu thích ứng kịp thời với những nghề nghiệp trong tương lai cùng sự thay đổi chóng mặt của công nghệ.
Để trở thành cố vấn giáo dục trọn đời, bạn phải có kỹ năng cập nhật xu hướng xã hội, sự dịch chuyển công nghệ cũng như sự dịch chuyển ngành, đặc biệt là tư duy logic và sự quyết đoán để có thể xác định được các kỹ năng, sở thích, khuynh hướng của khách hàng và khả năng giao tiếp hiệu quả với những người xung quanh. Cố vấn giáo dục trọn đời cũng cần bắt kịp sự tiến bộ của công nghệ và khả năng kết nối mọi người với các ứng dụng tân tiến, không ngừng dõi theo sự biến đổi của công nghệ, xã hội và nền kinh tế.
3. Nhà điều phối cộng đồng
Nhà điều phối cộng đồng là người góp phần gắn kết mọi người trong cộng đồng (hay quy mô nhỏ hơn là khu phố) xích lại với nhau, đồng thời tổ chức các hoạt động nhằm giúp các cộng đồng và cư dân trong cộng đồng đó phát triển mạnh mẽ. Điều này hết sức quan trọng và có ý nghĩa lớn lao với các cộng đồng dân cư, bởi lẽ khi sống trong một cộng đồng khỏe mạnh (về cả tinh thần và thể chất), mỗi cư dân trong đó sẽ trở nên khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.
Nhà điều phối cộng đồng luôn cập nhật những tiến bộ mới nhất về năng lượng và kỹ thuật nhằm nâng cao đời sống cho cư dân của cộng đồng đó, tìm giải pháp cho mọi vấn đề phát sinh trong cộng đồng. Họ cũng có nhiệm vụ gắn kết mọi người, khuyến khích người dân hướng tới lối sống tích cực bằng việc tổ chức các hoạt động hay sự kiện tập thể, tạo cơ hội để mọi người trao đổi về văn hóa, quan điểm, suy nghĩ giữa các thế hệ. Ngoài ra, nhà điều phối ở mỗi cộng đồng sẽ “theo sát” tất cả mọi người và luôn có mặt khi cần thiết để giúp đỡ những cá nhân gặp khó khăn bằng cách sắp xếp họ vào các mạng lưới hỗ trợ của cộng đồng.
Là nghề nghiệp thuộc nhóm ngành xã hội, các nhà điều phối cộng đồng cần có năng lực thấu hiểu và đồng cảm nếu muốn thành công. Ngoài ra, họ cần có các kỹ năng, kinh nghiệm phù hợp trong công tác xã hội, bên cạnh kỹ năng đàm phán và kiến thức phát triển văn hóa cộng đồng.
4. Nhà quản lý thương hiệu cá nhân
Trong tương lai, các nhà quản lý thương hiệu cá nhân sẽ giữ một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Họ là những người giúp khách hàng tìm thấy và “tiếp thị” bản thân một cách hiệu quả nhờ các công cụ kỹ thuật số. Nhờ sự trợ giúp của các nhà quản lý thương hiệu cá nhân, bạn có thể khám phá những khát vọng nghề nghiệp còn bị ẩn giấu của bản thân, từ đó xây dựng nên một “thương hiệu” riêng phù hợp với khát vọng đó. Họ sẽ thiết kế cho bạn một “bộ nhận diện thương hiệu cá nhân” bao gồm các ấn phẩm thiết kế như hình ảnh và video 3D thể hiện được năng lực chuyên môn, thế mạnh, những phẩm chất nổi bật,… của bạn, đồng thời giúp bạn “lan tỏa” hình ảnh của mình thông qua các mạng xã hội và các kênh phù hợp, cũng như viết các bài đăng để xây dựng tầm ảnh hưởng của bạn trên các kênh đó.
Để trở thành nhà quản lý thương hiệu cá nhân, bạn cần có kỹ năng “truyền thông” bằng cả việc viết lách, trò chuyện cũng như thiết kế hình ảnh để tạo dựng hình tượng riêng cho người khác. Bạn cũng cần biết cách lắng nghe khách hàng của mình để khám phá kế hoạch nghề nghiệp mà họ mong muốn, trên cơ sở đó xây dựng được những chiến lược tiếp thị cá nhân phù hợp với lộ trình dự kiến. Ngoài ra, các nhà quản lý thương hiệu cá nhân cần có kỹ năng và kiến thức về các nền tảng truyền thông xã hội cũng như kiến thức chuyên môn về tiếp thị, thương hiệu và cơ hội nghề nghiệp. Nếu muốn vượt trội trên hành trình chinh phục khách hàng, bạn cần có kỹ năng “thượng thừa” với các phương tiện kỹ thuật số như biết cách thiết kế 3D, tạo dựng các video có sử dụng kỹ xảo hay ứng dụng công nghệ thực tế ảo.
5. Chuyên viên tâm lý người máy
Là một “biến thể” của nghề tư vấn tâm lý vốn rất phổ biến trong xã hội hiện đại, chuyên viên tâm lý người máy sẽ trở thành nghề nghiệp phổ biến trong tương lai khi mà công nghệ ngày càng phát triển và đem lại những ứng dụng phi thường cho mọi lĩnh vực của đời sống con người. Họ sẽ đóng vai trò “tư vấn” tâm lý và giúp tháo gỡ những khó khăn, rắc rối về tinh thần của hai nhóm khách hàng chủ chốt: những người từng trải qua phẫu thuật cấy ghép và có một hoặc một vài bộ phận nhân tạo trên cơ thể (chẳng hạn như tay/chân giả, các khớp kim loại,…), và những người mắc hội chứng “nghiện” công nghệ và đời sống kỹ thuật số đến mức không thể phân biệt được thế giới thực và thế giới ảo. Công việc này sẽ đặc biệt hấp dẫn khi công nghệ thực tế ảo và mô phỏng phát triển đến mức trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên thế giới.
Trong quá trình giải quyết những thách thức mà khách hàng phải đối mặt, các nhà tư vấn tâm lý người máy có thể sử dụng các biện pháp can thiệp và hỗ trợ dựa trên công nghệ VR (công nghệ thực tế ảo) và AR (công nghệ thực tế ảo tăng cường) bên cạnh các kỹ thuật truyền thống như trò chuyện trực tiếp và đưa ra lời khuyên.
Xuất phát điểm là một ngành liên quan mật thiết đến con người nên cũng như nghề tư vấn tâm lý truyền thống, công việc tư vấn tâm lý người máy đòi hỏi các chuyên viên phải có khả năng đồng cảm rất cao, kỹ năng giao tiếp và lắng nghe, cùng với khả năng ứng phó linh hoạt với các tình huống mà trong đó cảm xúc của khách hàng có thể thay đổi chóng mặt. Ngoài ra, họ cũng cần có kiến thức chuyên sâu về tác động của công nghệ và kỹ thuật số lên sức khỏe tinh thần, hạnh phúc của con người cùng các kỹ thuật trị liệu để giải quyết những tác động đó.
(Tài liệu tham khảo: 100 Jobs of Future)