Thiết kế đồ họa

Ngành thiết kế đồ họa là gì?

Hiểu một cách đơn giản, thiết kế đồ họa là ngành học kết hợp giữa ý tưởng sáng tạo và khả năng cảm nhận thẩm mỹ, thông qua các công cụ đồ họa để truyền tải thông điệp bằng những hình ảnh đẹp, ấn tượng, đi vào lòng người. Nói cách khác đồ họa là sự kết hợp giữa nghệ thuật và thông tin. Và thiết kế đồ họa là loại hình nghệ thuật ứng dụng, kết hợp hình ảnh chữ viết và ý tưởng một cách sáng tạo để truyền đạt thông tin hiệu quả và thú vị qua các hình thức ấn phẩm in ấn và trực tuyến.

Theo học thiết kế đồ họa, sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng về nền tảng nghệ thuật và phương pháp thiết kế, các kỹ thuật ứng dụng và sử dụng công nghệ trong thiết kế đồ họa, xu hướng phát triển các ứng dụng đồ họa trên thế giới,… Sinh viên tốt nghiệp có khả năng kết hợp giữa thiết kế với truyền thông, mỹ thuật, thương mại để đáp ứng tốt những yêu cầu của nền công nghiệp sáng tạo và giải trí hiện đại. Ngoài ra, theo học ngành thiết kế đồ họa, sinh viên còn được chú trọng phát triển các kỹ năng chuyên môn như: kỹ năng sáng tác và thể hiện, kỹ năng nắm bắt tâm lý khách hàng, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng đàm phán, kỹ năng lãnh đạo,…

Các lĩnh vực chính của ngành thiết kế đồ họa

1. Thiết kế bộ nhận dạng thương hiệu

Bộ nhận dạng thương hiệu là bộ mặt của doanh nghiệp, thể hiện bản sắc, cá tính và thông điệp vô hình mà doanh nghiệp hoặc tổ chức muốn truyền tải đến khách hàng, đối tác của họ.

Nhà thiết kế bộ nhận dạng chuyên nghiệp cộng tác với các bên liên quan về quản lý hình ảnh thương hiệu để tạo dựng biểu tượng, lựa chọn kiểu chữ, bảng màu và thư viện hình ảnh thể hiện cá tính của thương hiệu. Ngoài các thẻ tiêu chuẩn (namecard, thẻ nhân viên,…) và văn phòng phẩm của công ty, nhà thiết kế thường phát triển một bộ hướng dẫn thương hiệu trực quan (hướng dẫn về phong cách) mô tả các phương pháp hay nhất và cung cấp các ví dụ về thương hiệu hình ảnh được áp dụng trên nhiều phương tiện khác nhau. Những nguyên tắc này giúp đảm bảo tính nhất quán về thương hiệu, để hình ảnh cũng như các biểu tượng thương hiệu luôn đồng bộ trong suốt quá trình sử dụng.

Các nhà thiết kế đồ họa nhận dạng chuyên nghiệp phải có kiến thức chung về tất cả các lĩnh vực thiết kế đồ họa để tạo ra các yếu tố thiết kế phù hợp trên tất cả các phương tiện trực quan. Họ cũng cần kỹ năng giao tiếp, hiểu biết về các khái niệm và sáng tạo tuyệt vời, đam mê nghiên cứu tìm hiểu bản chất thực sự của doanh nghiệp, tổ chức, đối thủ cạnh tranh của họ và liên tục cập nhật xu hướng mới.

2. Tiếp thị và thiết kế quảng cáo

Khi mọi người nói về thiết kế đồ họa, họ thường nghĩ ngay đến tiếp thị và quảng cáo.

Ngày nay, các công ty nỗ lực tiếp thị, quảng cáo sản phẩm, thu thập dữ liệu khách hàng nhằm tác động đến quyết định của đối tượng khách hàng mục tiêu. Thiết kế đồ họa tạo ra các hình ảnh mang nội dung trực quan hấp dẫn hơn, giúp các tổ chức quảng bá và giao tiếp hiệu quả hơn.

Bộ phận phụ trách tiếp thị và quảng cáo làm việc với chủ sở hữu công ty, giám đốc, người quản lý hoặc chuyên gia tiếp thị để tạo nội dung cho chiến lược tiếp thị. Họ có thể làm việc một mình hoặc là một phần của một đội ngũ sáng tạo. Cũng như bộ phận quảng cáo, nhà thiết kế có thể là một nhân tố trong nhóm hoặc làm việc riêng biệt, mỗi người phụ trách một mảng như hình ảnh tạp chí, ấn phẩm truyền thông dùng trong in ấn, kỹ thuật số, clip viral,… Tất cả chung quy nhằm mục đích quảng bá hình ảnh thương hiệu và các chiến dịch của doanh nghiệp.

Một số sản phẩm thiết kế thường thấy trong các chiến dịch quảng cáo, tiếp thị:

  • Bưu thiếp, tờ rơi
  • Mẫu quảng cáo trên báo, tạp chí
  • Poster, banner, billboard quảng cáo ngoài trời
  • Infographic
  • Brochure (loại in ấn và cả kỹ thuật số)
  • Decal trang trí xe
  • Mẫu quảng cáo hiển thị trên các màn hình thương mại
  • Mẫu email tiếp thị
  • Bản trình chiếu Power point trong các sự kiện, event
  • Mẫu quảng cáo truyền thông trên các trang mạng xã hội
  • Hình ảnh cho website, diễn đàn, blog…

Nhà thiết kế hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo – tiếp thị cần có kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề và quản lý thời gian tuyệt vời. Ngoài việc thành thạo trong một số ứng dụng thiết kế đồ họa, bố trí và thuyết trình, họ cũng phải quen thuộc với công đoạn in ấn và nắm vững các yêu cầu thông số hình ảnh khi sử dụng trực tuyến.

3. UI designer – Thiết kế giao diện người dùng

Giao diện người dùng (UI) là cách người dùng tương tác với một thiết bị hoặc ứng dụng. Thiết kế giao diện người dùng là quá trình thiết kế giao diện để làm cho chúng dễ sử dụng và mang lại trải nghiệm thân thiện với người dùng.

Giao diện người dùng bao gồm tất cả những thứ mà người dùng tương tác với màn hình, bàn phím và chuột – trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, thiết kế giao diện người dùng tập trung vào trải nghiệm hình ảnh của người dùng và thiết kế các yếu tố đồ họa trên màn hình như nút, menu, dự đoán hành vi tương tác và hơn thế nữa. Đó là công việc của một nhà thiết kế giao diện người dùng để cân bằng sự hấp dẫn yếu tố mỹ thuật và chức năng kỹ thuật.

Thiết kế giao diện người dùng chuyên về ứng dụng dành cho máy tính để bàn, ứng dụng dành cho thiết bị di động, ứng dụng web và trò chơi. Bên cạnh việc thành thạo ứng dụng đồ họa, bạn cần kiến thức về các ngôn ngữ lập trình như HTML, CSS và JavaScript. Để đảm nhận vị trí này bạn cần làm việc chặt chẽ với các UX designer (người xác định cách thức hoạt động của ứng dụng) và các nhà phát triển UI developer (người viết mã để làm cho nó hoạt động).

Một số sản phẩm thiết kế thường gặp của UI designer:

  • Thiết kế web
  • Giao diện game
  • Thiết kế ứng dụng

4. Thiết kế ấn phẩm xuất bản

Sách, báo, tạp chí là phương tiện truyền thống trong việc tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên, gần đây đã có sự gia tăng đáng kể của các ấn phẩm online.

Các nhà thiết kế đồ họa chuyên về các ấn phẩm làm việc với các biên tập viên và nhà xuất bản để tạo bố cục với kiểu chữ được lựa chọn cẩn thận và tác phẩm nghệ thuật đi kèm, bao gồm nhiếp ảnh, đồ họa và hình minh họa. Các nhà thiết kế ấn phẩm có thể làm việc như là dịch giả tự do, là thành viên của bộ phận sáng tạo hoặc như là một phần của một công ty xuất bản.

Một số ấn phẩm xuất bản thường gặp:

  • Sách, báo
  • Tạp chí
  • Báo cáo thường niên
  • Catalogues

Các nhà thiết kế ấn phẩm xuất bản phải có kỹ năng giao tiếp, bố cục và tổ chức tuyệt vời. Ngoài chuyên môn thiết kế đồ họa, họ cần hiểu về quản lý màu, in ấn và xuất bản kỹ thuật số.

5. Thiết kế bao bì

Hầu hết các sản phẩm đều yêu cầu một số hình thức đóng gói để bảo vệ hoặc chứa đựng sản phẩm bên trong. Bên cạnh đó, bao bì cũng chính là một hình thức giao tiếp trực tiếp với người tiêu dùng, điều này làm cho nó trở thành một công cụ tiếp thị cực kỳ có giá trị. Mỗi hộp, chai, túi, lọ,… là cơ hội để bạn kể về câu chuyện của thương hiệu.

Nhà thiết kế bao bì có thể hoạt động đa lĩnh vực hoặc chuyên về một loại bao bì cụ thể (như nhãn hoặc lon nước giải khát) hoặc một ngành cụ thể (như đồ ăn hoặc đồ chơi trẻ em). Công việc của họ đòi hỏi kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng nắm vững các khái niệm quy tắc cần biết trong thiết kế in ấn và công nghiệp. Bạn phải linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhà tiếp thị và nhà sản xuất, cũng như cập nhật nhanh nhất thị hiếu người tiêu dùng.

6. Thiết kế đồ họa chuyển động – Motion Graphic

Nói một cách đơn giản, đồ họa chuyển động có thể bao gồm hoạt ảnh, âm thanh, kiểu chữ, hình ảnh, video và các hiệu ứng chuyển động được sử dụng trong các phương tiện truyền thông trực tuyến, truyền hình và phim. Sự phổ biến của Motion Graphic đã tăng vọt trong những năm gần đây khi công nghệ được cải thiện và viral video trở thành “Vua” trong lĩnh vực truyền thông.

Motion Graphic là một “đặc sản” mới trong ngành đồ họa. Chủ yếu dành riêng cho truyền hình và phim ảnh, yếu tố mới lạ này góp phần giảm thiểu chi phí và giúp nghệ thuật dễ tiếp cận nhiều đối tượng hơn. Motion Graphic ngày nay được ứng dụng nhiều hơn trên hầu hết các lĩnh vực, mở ra cơ hội mới cho ngành đồ họa.

Một số sản phẩm của Motion Graphic:

  • Mẫu quảng cáo động
  • Video quảng cáo, hướng dẫn
  • Website, app ứng dụng
  • Video game
  • Banner động

Làm thế nào để biết bản thân có phù hợp với nghề thiết kế đồ họa hay không?

Bạn yêu thích hình ảnh, màu sắc?

Bạn bị cuốn hút bởi những banner quảng cáo đẹp, bắt mắt, nếu bắt gặp trên đường bạn thường dừng lại để xem. Khi đọc sách báo, tạp chí hay lướt Facebook bạn hay để ý đến những hình ảnh đẹp, font chữ độc đáo, sự kết hợp màu sắc,… Bạn có tiềm năng trong nghề thiết kế rồi!

Bạn thích vẽ?

Công việc của một nhà thiết kế đa phần là vẽ, có thể vẽ tay hoặc sử dụng phần mềm, để trở thành một nhà thiết kế chuyên nghiệp bạn cần thích vẽ. Không cần bạn vẽ đẹp, không cần bạn có hoa tay, chỉ cần bạn thực sự thích. Nhiều bạn e ngại công việc này vì “Em vẽ không đẹp”, nhưng bạn có biết trong thực tế năng khiếu chỉ chiếm 5% mức độ thành công trong nghề. Trong quá trình học bạn sẽ được rèn luyện và học thêm kỹ năng để tự hoàn thiện mình mỗi ngày. Vì vậy, đừng lo nếu vẽ không phải là sở trường của bạn nhé, chỉ cần bạn thực sự yêu thích bạn sẽ làm được.

Bạn thích tìm tòi và học hỏi những điều mới mẻ?

Thiết kế đồ họa vận động theo xu hướng thời đại, theo nhu cầu của thị trường. Bạn cần khả năng thích ứng nhanh, tìm tòi học hỏi, không ngại thay đổi và cập nhật những xu hướng thiết kế mới để theo kịp dòng chảy của ngành.

Nghề thiết kế chưa bao giờ là công việc nhàn hạ, bạn phải tự đổi mới mình mỗi ngày, mỗi sản phẩm mỗi dự án là một trải nghiệm mới mà bạn phải chinh phục. Độc đáo và khác biệt đó là những gì bạn muốn mọi người nhắc về bạn, nếu bạn yêu thích những điều sáng tạo mới mẻ, chào mừng bạn gia nhập đội ngũ designer tương lai.

Cơ hội nghề nghiệp của ngành thiết kế đồ họa

Những cơ hội nghề nghiệp dành cho các cử nhân tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa có thể kể đến như sau: Chuyên viên thiết kế, tư vấn thiết kế tại các công ty quảng cáo, công ty thiết kế, công ty truyền thông và tổ chức sự kiện, studio nghệ thuật, xưởng phim hoạt hình và truyện tranh, các tòa soạn, các nhà xuất bản, cơ quan truyền hình, báo chí,… Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể tự thành lập doanh nghiệp, các công ty thiết kế, dịch vụ studio hoặc tư vấn, giảng dạy tại các trường học, trung tâm, CLB,… Hơn nữa, như một đặc thù ưu ái, ngành thiết kế đồ họa luôn mang lại những cơ hội làm thêm hấp dẫn tại nhà như thiết kế website, thiết kế logo, nhận diện thương hiệu,…

Học ngành thiết kế đồ họa ra trường làm gì?

Theo thống kê của Trung tâm dự báo Nhân lực và Thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2015, nước ta đã cần đến 1.000.000 nhân lực cho ngành học thiết kế đồ họa. Điều này cũng dễ hiểu, vì ngày nay bất kỳ doanh nghiệp nào dù quy mô nhỏ hay lớn cũng cần có các designer phụ trách thiết kế đồ họa, ngay cả các cửa hàng nhỏ, đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ cũng đều cần tới các ấn phẩm thiết kế. Trong lĩnh vực truyền thông, quảng bá, tiếp thị, in ấn thì thiết kế càng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.

Thế nhưng, nguồn nhân lực cho lĩnh vực này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu trên. Các trường đại học và các trung tâm đào tạo chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu nhân lực cho ngành nghề đắt giá này. Chính nhu cầu cao về nhân lực đã tạo ra cơ hội lựa chọn việc làm phong phú cho các cử nhân ngành thiết kế đồ họa với mức lương khởi điểm có thể từ 10 triệu/tháng và đối với người có kinh nghiệm từ một đến hai năm là 12-15 triệu/tháng.

(Nguồn: allowcopy)

Bài viết cùng chủ đề:

  • TALKSHOW HƯỚNG NGHIỆP TRỰC TUYẾN: MỞ KHÓA NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN CHO 2K4

    › Thời gian: 14:00 – 17:00 ngày 05/12/2021
    › Địa điểm: TP.HCM
    Thời đại công nghệ 4.0 lên ngôi kéo theo phát triển bùng nổ của Công nghệ Thông tin và vai trò quan trọng của công nghệ ở mọi lĩnh vực. Bên cạnh sự bùng nổ công nghệ ấy thì định hướng nghề nghiệp của các bạn trẻ hiện nay cũng có xu hướng công nghệ hóa hơn.

  • “Giải ngố” thuật ngữ ngành Trí tuệ nhân tạo

    Trí tuệ nhân tạo (AI) vốn vẫn là lĩnh vực gợi nhiều tò mò thích thú cho các bạn trẻ bởi sự mới mẻ và tốc độ phát triển chóng mặt trong thời gian gần đây. AI  đã và đang khẳng định vai trò then chốt trong tương lai đồng thời mở ra lĩnh vực học tập, cơ hội nghề nghiệp với mức lương “trong mơ” cho nhân sự có chuyên môn. 

    Chắc hẳn các bạn cũng đã nhiều lần nghe đến máy học, big data,…liệu những thuật ngữ ấy có làm bạn thấy hứng thú với ngành học này. Hôm nay cùng nhau “nhập môn” Trí tuệ nhân tạo với một vài thuật ngữ chuyên ngành nhé.

ĐĂNG KÝ NHẬN THÔNG TIN

Vui lòng để lại thông tin liên hệ để nhận được thông báo về các tin tức và tài liệu mới nhất từ website Hướng nghiệp 4.0

    XEM THÊM CÁC EBOOK KHÁC